Quy định được ban hành gồm có 4 chương và 12 điều nhằm quy định ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho chủ vật nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy; hỗ trợ trực tiếp cho chủ cơ sở nuôi có động vật thủy sản bị thiệt hại do mắc dịch bệnh nằm trong danh mục bệnh động vật phải công bố dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT; hỗ trợ cho chủ vật nuôi có gia súc, gia cầm bị chết do phản ứng vắc-xin sau tiêm phòng; hỗ trợ để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng áp dụng bao gồm: Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, chủ gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại trực tiếp do dịch bệnh theo quy định tại Điều 1 Quy định này; Các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi; các hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng hỗ trợ của Quy định; Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện Quy định.
Về điều kiện ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đối với động vật trên cạn: Chủ vật nuôi đã thực hiện phòng bệnh bắt buộc cho gia súc, gia cầm bằng vắc-xin theo quy định (phải có hồ sơ chứng nhận tiêm phòng) hoặc gia súc, gia cầm mà chủ vật nuôi có ký kết hợp đồng thực hiện dịch vụ thú y trọn gói. Đối với gia súc, gia cầm nhập từ tỉnh khác vào địa phương để chăn nuôi phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển còn trong thời gian nuôi cách ly (không quá 21 ngày), nếu qua 21 ngày phải có Giấy chứng nhận tiêm phòng chứng nhận gia súc, gia cầm đã được phòng bệnh bằng vắc-xin và còn miễn dịch bảo hộ. Đối với gia súc, gia cầm nhập từ các huyện khác trên địa bàn tỉnh thì con giống phải khỏe mạnh, phải có Giấy chứng nhận tiêm phòng chứng nhận gia súc, gia cầm đã được phòng bệnh bằng vắc-xin và còn miễn dịch bảo hộ, phải có biên bản kiểm tra, giám sát nhập con giống của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào địa bàn huyện.
Đối với động vật thủy sản: Cơ sở nuôi phải nằm trong quy hoạch của tỉnh hoặc của địa phương. Chủ cơ sở nuôi chấp hành nghiêm túc các quy định về lịch thời vụ, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; chủ cơ sở nuôi phải có hồ sơ kê khai ban đầu. Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo khỏe mạnh; khi nhập từ tỉnh khác vào địa phương để nuôi phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển.
Nguyên tắc hỗ trợ: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh trong khoảng thời gian kể từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch của cấp có thẩm quyền; hoặc ngay từ khi có động vật mắc bệnh cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch để hạn chế lây lan (chưa đủ điều kiện công bố dịch) đến khi kết thúc ổ dịch; hoặc từ khi có văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy cơ cao xảy ra dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến khi có thông báo tình hình dịch bệnh ổn định.
UBND tỉnh quy định cụ thể về đối tượng, nội dung và mức hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ trực tiếp cho chủ vật nuôi, chủ cơ sở nuôi; Ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho chủ vật nuôi, chủ cơ sở nuôi; nội dung và mức chi hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật; Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; đồng thời quy định cụ thể về nguồn kinh phí thực hiện (ngân sách tỉnh chi và ngân sách huyện)…
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí dự toán ngân sách để phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định; Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y báo cáo tình hình dịch bệnh, tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT xuất vắc-xin, hóa chất dự trữ của tỉnh để tiêm phòng khẩn cấp và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, các cơ sở nuôi, phục vụ kịp thời cho công tác chống dịch; Hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật; cung ứng kịp thời vắc-xin, hóa chất theo đăng ký của UBND huyện phục vụ phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch quản lý sử dụng vắc-xin, hóa chất để phục vụ công tác phòng, chống dịch theo quy định; Căn cứ đặc điểm dịch tễ của địa phương, quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y Trung ương, xác định những bệnh có nguy cơ xảy ra dịch để tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT quy định loại bệnh và đối tượng gia súc, gia cầm phải tiêm phòng hằng năm; quy định chủng loại vắc-xin tiêm phòng định kỳ, bổ sung và vắc-xin tiêm chống dịch; kế hoạch dự trữ vắc-xin, hóa chất chống dịch.
Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về điều hành, huy động bộ máy và các nguồn lực thuộc thẩm quyền của mình để chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời, báo cáo cấp ủy cùng cấp lãnh đạo hệ thống chính trị cùng tham gia chống dịch.
Cơ quan thú y các cấp (hoặc cơ quan được cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ thực hiện công tác thú y) là cơ quan tham mưu về chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời là cơ quan trực tiếp kiểm tra chấp hành pháp luật về thú y của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi cấp mình quản lý; đề nghị cấp thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm và báo cáo theo hệ thống ngành để Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh…
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2018 và thay thế Quyết định số 2385/QĐ-UBND ngày 05/7/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam./.