|
Nông dân Thăng Bình ra đồng chăm sóc lúa đông xuân. Ảnh: HỒ QUÂN |
Thời tiết diễn biến thất thường kéo dài từ đầu năm đến nay không chỉ khiến cây lúa trên địa bàn Thăng Bình phát triển chậm, mà còn phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại vào giai đoạn trổ đòng. Kinh nghiệm từ những vụ trước, từ cuối tháng Giêng đến nay, chính quyền các cấp đã liên tục khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng chăm sóc lúa.
Ông Nguyễn Vàng (67 tuổi, trú tổ 12, thị trấn Hà Lam) chia sẻ: “Thời gian qua, được cán bộ nông nghiệp xã quan tâm, nhắc nhở về tình trạng phát sinh sâu bệnh nên chúng tôi đã kịp thời phun thuốc phòng trừ. Một số loại sâu bệnh như rầy nâu, sâu cuốn lá hay đạo ôn chỉ còn xuất hiện rải rác, không còn đáng lo ngại”.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Hương (49 tuổi, trú thôn Kế Xuyên 2, xã Bình Trung) nói: “Ngoài phun thuốc đúng thời điểm, tôi còn bón phân hữu cơ và tích cực bắt chuột, làm cỏ nên 2ha lúa đông xuân đang phát triển khá tốt. Dự kiến, vụ năm nay gia đình tôi sẽ thu về hơn 50 triệu đồng tiền bán lúa”.
Ông Lê Văn Để - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, qua kết quả theo dõi, vụ lúa đông xuân trên địa bàn huyện đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên gần đây, khi lúa bắt đầu trổ đòng, rải rác cánh đồng đã xuất hiện các loại sâu bệnh có thể ảnh hưởng đến năng xuất.
Cụ thể, ở các xã Bình Tú, Bình Trung, Bình Định Nam và các xã phía tây của huyện, các loại rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện với mật độ khá dày, 1.000-2.000 con/m2. Bọ xít đen phát sinh ở các xã Bình Định Bắc, Bình Hải với mật độ trung bình 10-20 con/m2, có nơi lên đến 45 con/m2 và có khả năng lây lan vùng lân cận. Dịch đạo ôn gây hại trên hàng loạt giống lúa dễ nhiễm bệnh như BC15, 13/2, KD18, Xi 23, OM4900, SV181. Ngoài ra, tình trạng chuột gây hại cũng bắt đầu xuất hiện với tỷ lệ lớn, nhất là ở những ruộng sạ sớm.
“Hiện tại, mỗi tuần trung tâm đều kiểm tra ruộng đồng, gửi thông báo cụ thể về chính quyền các xã và phối hợp với cán bộ khuyến nông địa phương trực tiếp hướng dẫn bà con phương pháp chăm sóc, phun thuốc phù hợp ở từng đối tượng sâu bệnh. Chính vì thế, phần lớn các loại sâu bệnh đang được phòng trừ hiệu quả và không có dấu hiệu lây lan diện rộng. Bên cạnh đó, thời gian qua cán bộ khuyến nông và nông dân trong huyện cũng thường xuyên tham gia các buổi tập huấn nâng cao kỹ thuật chăm sóc lúa do trung tâm tổ chức, nên công tác phòng trừ sâu bệnh có sự chủ động hơn” - ông Để cho biết thêm.