Hiệu quả từ công tác kết nghĩa
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 122 xã miền núi, gồm: 63 xã khu vực III (ĐBKK), 47 xã khu vực II (còn gặp khó khăn) và 12 xã khu vực I; với 359 thôn ĐBKK. Dân số toàn vùng khoảng 410.000 người, chiếm 27% dân số toàn tỉnh, trong đó thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) hơn 127.000 người, chiếm trên 31% dân số vùng miền núi, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 22/10/2012 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường công tác kết nghĩa, giúp đỡ các xã miền núi ĐBKK, các Sở, ban, ngành, đơn vị; các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương được nhận kết nghĩa đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện một cách thiết thực; tập trung quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đến nay, có 72 cơ quan, đơn vị (giảm 02 đơn vị đã sáp nhập là: BQL phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và BQL các khu công nghiệp) kết nghĩa với 69 xã ĐBKK và 09 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 09 huyện miền núi của tỉnh.

Các đoàn viên thanh niên Sở Xây dựng hỗ trợ làm đường bê tông nông thôn tại xã Cà Dy - xã miền núi ĐBKK của huyện Nam Giang
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, 5 năm qua, ngoài nguồn lực mà các đơn vị kêu gọi đầu tư lồng ghép trong các chương trình, dự án... thì tổng giá trị các sở, ban, ngành, đơn vị hỗ trợ phát triển kinh tế đối với các địa phương được nhận kết nghĩa gần 3,6 tỷ đồng. Trong đó, tặng 95 con bò giống sinh sản cho các hộ gia đình chăn nuôi phát triển kinh tế, trị giá hơn 1,1 tỷ đồng; xây dựng mô hình nuôi ngan địa phương (quy mô 600 con/30 hộ tham gia), mô hình nuôi heo đen bản địa (quy mô 24 con/6 hộ tham gia), trị giá hơn 210 triệu đồng; mô hình trồng ngô nếp xen Đảng sâm (quy mô 4ha/16 hộ tham gia) và mô hình nuôi heo đen bản địa 28 con, trị giá hơn 370 triệu đồng... Ngoài ra, các đơn vị còn hỗ trợ công cụ, dụng cụ sản xuất, giống các loại và trực tiếp hỗ trợ giúp đỡ được 123 hộ nghèo, trong đó có 85 hộ thoát nghèo bền vững, với tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, các huyện, thị xã, thành phố: Điện Bàn, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ cũng đã hỗ trợ, đầu tư gần 19 tỷ đồng giúp các huyện miền núi làm cầu bản, làm đường bê tông nông thôn; tặng 48 con bò giống sinh sản; hỗ trợ kinh phí xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nhà bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện; hỗ trợ khắc phục lũ lụt; tặng hàng ngàn suất quà; hàng trăm suất học bổng cho các em học sinh...
Cùng với đó, hằng năm, nhất là vào các dịp lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, các đơn vị và địa phương đã tổ chức nhiều Đoàn công tác đến làm việc, thăm hỏi động viên, tặng quà, lương thực, các nhu yếu phẩm... cho các xã và gia đình khó khăn miền núi, với tổng giá trị gần 48,4 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây dựng 357 nhà tình nghĩa, 112 nhà mái ấm tình thương, 12 nhà đại đoàn kết, khám và cấp phát thuốc cho trên 32.700 lượt người và tiêm chủng cho gần 2.900 lượt người (trị giá gần 21 tỷ đồng); hỗ trợ xây dựng 03 điểm trường và 01 phòng học vi tính (trị giá hơn 5,2 tỷ đồng); tặng ti vi, vi tính cho trường và cho xã, tặng hàng trăm suất học bổng, hàng ngàn bộ sách, vở, dụng cụ học tập cho học sinh (trị giá hơn 21 tỷ đồng)...
Theo đánh giá của đồng chí Lê Thị Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, hầu hết các Sở, Ban, ngành, đơn vị, địa phương khi được phân công kết nghĩa đều rất tâm huyết, nhiệt tình, tuy bước đầu có lúng túng, băn khoăn tìm hướng hỗ trợ thiết thực, nhất là những đơn vị hành chính, với nguồn lực hạn chế, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, đã vào cuộc rất tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương nhận kết nghĩa thực hiện khảo sát, lập kế hoạch hỗ trợ đầu tư, phân công cán bộ, chuyên trách theo dõi tổ chức thực hiện. Bên cạnh hỗ trợ các xã miền núi xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phục vụ cho người dân đạt hiệu quả, các Sở, Ban, ngành, đơn vị, địa phương đã có sự tập trung hỗ trợ, giúp đỡ các xã miền núi định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhiều mô hình phát triển sản xuất được tổ chức làm điểm, nhiều loại giống cây trồng, con vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đặc thù từng vùng, địa phương được hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật đến tận hộ dân và tổ chức nhân ra diện rộng đạt hiệu quả. Công tác an sinh xã hội cũng được các đơn vị và địa phương triển khai tốt, đã đem đến cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số những tấm lòng, tình cảm, sự chia sẽ nỗi niềm chân thành ấm áp nhất.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa
Phát huy những kết quả đạt được và để công tác kết nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện công tác kết nghĩa giai đoạn 2012-2017diễn ra sáng qua 16/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các đơn vị, địa phương tham gia công tác kết nghĩa, kể cả những địa phương được nhận kết nghĩa phối hợp khảo sát, nắm tình hình và tiến hành ký kết chương trình phối hợp lâu dài, ít nhất 5 năm, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động từng năm, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Nội dung kết nghĩa hỗ trợ phải có sự đổi mới, thiết thực, đạt hiệu quả bền vững hơn so với những năm trước đây, trong đó cần tập trung đầu tư theo hình thức mô hình thí điểm, nghiên cứu xây dựng mỗi xã, hoặc thôn từ 1-3 mô hình điểm, nhóm hộ, tổ hợp tác liên kết hỗ trợ...và phải đảm bảo phát huy tốt tinh thần dân chủ tự nguyện, tự chủ của các hộ gia đình, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh ĐBKK, có sức lao động, có tinh thần vươn lên thoát nghèo; cần hỗ trợ tập trung, giảm dần hình thức nhỏ lẻ.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu từng đơn vị, địa phương tham gia kết nghĩa đều phải có nghĩa vụ, trách nhiệm, chủ động đề xuất, kiến nghị và mở rộng hợp tác, giao lưu đối ngoại thu hút nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, đặc biệt chú trọng tổ chức và làm cầu nối liên kết bốn nhà “Doanh nhiệp, Nhà khoa học, Nhà nước và Nông dân” nhằm hỗ trợ khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh hiện có của từng địa phương, vùng, miền, cùng hợp tác chia sẻ lợi ích thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội.