hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Trả lời ý kiến cử tri trong tỉnh (06/12/2017)
Theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh tại Báo cáo số 19/BC-TTHĐND ngày 25/9/2017 về việc tổng hợp ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ 5, trước kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan giải quyết, trả lời ý kiến cử tri theo thẩm quyền. Cổng thông tin điện tử tỉnh trích một số nội dung trả lời của UBND tỉnh

Cử tri huyện Thăng Bình đề nghị tỉnh có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa trạm bơm An Xá Đông (Bình Quế). UBND tỉnh trả lời: Trạm bơm An Xá Đông do Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình quản lý và cung cấp nước tưới cho 61,4 ha của xã Bình Quế. Công trình này nằm trong danh mục đầu tư của Dự án WB7 được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư và đang có kế hoạch triển khai thi công từ năm 2018.

Đồng thời, đề nghị đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nước tưới cho xã Bình Dương. Hệ thống kênh mương nội đồng, thủy lợi đất màu, thủy lợi nhỏ hằng năm được tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các địa phương, trong đó có lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Thăng Bình tổ chức kiểm tra, rà soát, xem xét xác định thứ tự ưu tiên của công trình và quy định để lập hồ sơ  gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 1886/QĐ-UBND ngày 31/5/2016 về Cơ chế đầu tư kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Cử tri huyện Hiệp Đức đề nghị tỉnh sớm quan tâm đầu tư xây dựng mới hồ thủy lợi Phước Hòa, thuộc xã Bình Sơn để phục vụ tưới tiêu trên 20ha diện tích lúa tại địa phương. UBND tỉnh trả lời: Dự án Công trình thủy lợi hồ Phước Hòa, xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức đã được đưa vào Quy hoạch thủy lợi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1695/QĐ-UBND ngày 16/5/2017 của UBND tỉnh. UBND huyện Hiệp Đức chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành liên quan để triển khai thực hiện theo quy hoạch và theo phân cấp. Đồng thời, đề nghị xây dựng đường tránh QL14E qua thôn Việt An, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, mở rộng QL14G. UBND tỉnh trả lời: Tuyến đường QL14E và QL14G có mặt đường nhỏ, hẹp đã được UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư mở rộng trong giai đoạn 2016-2020; do nguồn vốn khó khăn nên hiện nay Bộ Giao thông vận tải chưa thể thực hiện.

Cử tri huyện Duy Xuyên đề nghị nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT610 từ Nam Phước đi Mỹ Sơn (đoạn từ Trà Kiệu-Kiểm Lâm): Tuyến đường đã được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV có mặt đường rộng 6,0m, nền đường rộng 9,0m; hiện nay nguồn vốn khó khăn nên chưa thể nâng cấp, mở rộng tuyến đường.

Cử tri huyện Nông Sơn phản ánh dự án xây dựng khu du lịch nước nóng  suối Tây Viên đã giao nhà đầu tư hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa khởi công thực hiện. Huyện đã nhiều lần kiến nghị tỉnh ra quyết định thu hồi dự án nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Đề nghị thông tin cho cử tri được rõ.

UBND tỉnh trả lời: Dự án khu resort nghỉ dưỡng và spa suối nước nóng Mỹ Sơn, huyện Nông Sơn được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 331023000028 ngày 18/12/2013. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Suối nước nóng Brainstones Sông Hàn, Công ty liên doanh giữa Công ty BSV My Son Hot Springs Pte Limited (Singapore) và Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ Sông Hàn (Việt Nam). Đến nay, Công ty TNHH Suối nước nóng Brainstone Sông Hàn đã vi phạm tiến độ triển khai. Thực hiện ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, UBND đã có Báo cáo số 158/BC-UBND ngày 27/10/2017 và UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý các thủ tục liên quan theo quy định của Luật đầu tư công, chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh tại văn bản số 297/HĐND-VP ngày 07/11/2017.

Cử tri huyện Nam Giang đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các Khu TĐC các thôn: Đắc Ốc, Công Tơ Rơn, Đắc H’ Lôi của xã La Dê vì hiện nay các thôn này nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét không an toàn đến tính mạng của người dân trong mùa mưa lũ. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các phòng, ban của huyện và UBND xã La Dê có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân các thôn nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét trong mùa mưa lũ năm 2017; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh, Quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo khác của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện kiểm tra thực tế các điểm sạt lở để đề xuất theo hướng hỗ trợ việc sắp xếp, ổn định dân cư nêu trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 430/TB-UBND ngày 25/10/2017, Công văn số 5464/UBND-KTN ngày 10/10/2017; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Cử tri huyện Nam Trà My đề nghị tỉnh giao một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tạo giống sâm Ngọc Linh chuẩn, có số lượng lớn, kiểm định chất lượng giống để bảo vệ thương hiệu sâm Núi Ngọc Linh về lâu dài. Đồng thời, hỗ trợ giống sâm Ngọc Linh và giống cây dược liệu cho nhân dân trồng để phát triển kinh tế. Cho phép thành lập Trung tâm nghiên cứu, kiểm định sâm tại Nam Trà My.

UBND tỉnh trả lời: Thực hiện Nghị quyết số 114/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2020 và Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 27/01/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Nam Trà My chỉ đạo cho 02 đơn vị trực thuộc (Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam, Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My) xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển giống Sâm Núi Ngọc Linh đến năm 2020 theo hướng tăng mạnh số lượng giống gốc, tỷ lệ nảy mầm và số lượng cây giống. Bên cạnh đó, đã tổ chức triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển Sâm Núi Ngọc Linh nhằm nâng cao tỷ lệ nảy mầm của hạt giống, tỷ lệ sống của cây giống và chủ động trong công tác phòng trừ dịch hại đối với cây Sâm Ngọc Linh. Nhờ vậy, tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ cây sống đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất vườn được tăng lên đáng kể (năm 2013 đạt 19,2%; năm 2016 đạt gần 40% và phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 60%) để từng bước đáp ứng cây giống Sâm Núi Ngọc Linh đủ tiêu chuẩn, nguồn gốc phục vụ công tác bảo tồn, nhân giống và cung ứng cho nhân dân sản xuất cũng như bảo đảm được thương hiệu Sâm Núi Ngọc Linh trong thời gian đến.

Việc hỗ trợ giống sâm núi Ngọc Linh và giống cây dược liệu cho nhân dân trồng để phát triển kinh tế: Thực hiện Nghị quyết số 114/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2821/QĐ-UBND ngày 17/9/2014 về Cơ chế khuyến khích, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014-2020 và Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020; theo đó UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các Sở và UBND các huyện có liên quan xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020, cụ thể kế hoạch hằng năm để UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.

Việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, kiểm định sâm tại Nam Trà My: Về vấn đề này, tại Thông báo số 429/TB-UBND ngày 25/10/2017, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ hướng dẫn UBND huyện Nam Trà My xây dựng đề án bổ sung chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh cho Trung tâm Sâm Ngọc Linh (lưu ý việc bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm Sâm Ngọc Linh không phát sinh tăng thêm biên chế) để báo cáo lại, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. 

Trên địa bàn huyện Nam Trà My, ngoài sâm Ngọc Linh còn có rất nhiều loại cây dược liệu quý hiếm như Quế Trà My, Giảo Cổ Lam, Lan Kim Tuyến, Thất Diệp Nhất Chi Hoa, Đẳng Sâm, Đương Quy… Đề nghị tỉnh cần quy hoạch và phát triển Nam Trà My thành Vườn dược liệu Quốc gia.

UBND tỉnh trả lời: Việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đã được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2016-2020; đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành và đơn vị có liên quan khảo sát lập quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030 để trình tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX (vào tháng 12/2017); trong đó, có dự kiến xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây dược liệu quốc gia nhằm bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, cung cấp nguyên liệu, phát triển thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, qua đó tạo sự lan tỏa ra các địa phương lân cận, tạo động lực hình thành các vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói chung.

Thùy Dung

Lượt xem:  1,245 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 7 1 2 3 4 5 6 7
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com