hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Trang trại bồ câu của thầy giáo trẻ (03/04/2017)
Không chỉ là một giáo viên say mê với nghề dạy học, thầy giáo Phan Ngọc Trung trú tại khối phố Quảng Lăng 2, phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn) còn là người rất năng động, nhạy bén trong việc phát triển kinh tế gia đình với trang trại chim bồ câu.
Thầy giáo Phan Ngọc Trung làm kinh tế giỏi với trang trại bồ câu hơn 4.000 con.  Ảnh: NHƯ TRANG
Thầy giáo Phan Ngọc Trung làm kinh tế giỏi với trang trại bồ câu hơn 4.000 con. Ảnh: NHƯ TRANG

Bén duyên với chim bồ câu

Tốt nghiệp ra trường và nhận công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh hơn 10 năm, đó cũng là khoảng thời gian thầy Trung gắn bó với trang trại chim bồ câu của mình. Năm 2006, trong một lần tình cờ đọc bài báo viết về cách cải thiện kinh tế từ mô hình chăn nuôi trang trại, thầy Trung bắt đầu hình thành ý tưởng làm một trang trại quy mô nhỏ nuôi thử nghiệm các loại: chim bồ câu, gà, dế, rắn mối. Sau nửa năm gắn bó, nhận thấy việc nuôi chim bồ câu mang lại lợi nhuận cao hơn các loài vật khác, thầy Trung quyết định đầu tư số vốn 100 triệu đồng vay từ ngân hàng. Chia sẻ về quyết định táo bạo này, thầy Trung nói: “Cầm sổ đỏ đi vay mà tôi lo lắm, trước giờ quen với phấn trắng bảng đen và giáo án, nay lại nuôi thêm chim bồ câu, chưa có kinh nghiệm, tay chân lại vụng về… Đắn đo mãi nhưng rồi cuối cùng tôi cũng làm, làm không được thì bỏ làm lại. Nghĩ thế mà quyết tâm thôi!”.

Việc đầu tiên nằm trong kế hoạch của người thầy trẻ tuổi, đó là hành trình rong ruổi chạy xe máy đến học hỏi cách nuôi chim bồ câu của các chủ trại bồ câu giàu kinh nghiệm ở huyện Núi Thành. Sau đó, thầy Trung về xây dựng trang trại trên khu đất trống cạnh nhà với 70 cặp bồ câu Pháp lai. Những ngày bước vào công việc mới thật gian nan, mỗi ngày thầy Trung phải thu xếp lịch, làm sao để việc đi dạy và công việc ở trang trại không chồng chéo nhau. Có thế, thầy mới chuyên tâm đầu tư chăm sóc cho những con chim bồ câu đầu tiên trong trang trại. Thầy tỉ mẩn đi tìm những vỏ chai nhựa rồi cắt thành máng đựng nước, thức ăn cột vào chuồng bồ câu. Rồi việc xổ giun sán, phun thuốc diệt ruồi muỗi xung quanh chuồng. Đặc biệt, thầy Trung còn tìm tòi học hỏi cách bổ sung dinh dưỡng cho loài chim này. Nhờ  “mát tay” nuôi, lứa chim bồ câu đầu tiên phát triển nhanh và sinh sản tốt, những con chim bồ câu ra ràng nhanh chóng được các thương lái ở TP.Đà Nẵng thu mua.

Tiếng lành làm kinh tế giỏi

Nhận thấy nguồn lợi từ việc nuôi chim bồ câu, thầy Trung xây dựng trang trại 300m2 và nuôi 800 chim bồ câu Pháp lai. Niềm hân hoan đến chưa được bao lâu, bồ câu đang trong giai đoạn lớn thì đợt cúm H7N9 ập đến. Nhắc đến đợt cúm này, thầy Trung bàng hoàng nhớ lại: “Năm 2010, hầu hết loại gia cầm trên địa bàn thị xã Điện Bàn đều chết vì cúm. Tuy nhiên, cả trang trại chim bồ câu của tôi không chết một con nào, bởi bồ câu vốn có sức đề kháng rất tốt. Vậy nhưng tâm lý người tiêu dùng lo sợ, lúc ấy bồ câu không có ai ăn, nhiều chủ trang trại bồ câu phải chấp nhận thua lỗ và thả hết!”. Trước bao khó khăn, thầy Trung vẫn giữ lại toàn bộ đàn bồ câu gần 1.000 con trong trang trại khiến ai cũng ngỡ ngàng. Thời gian đối diện với cảnh “có cung không cầu”, thầy phải thế chấp lương giáo viên, tiếp tục vay 40 triệu đồng từ ngân hàng để cơi nới thêm trang trại và phân khu bồ câu giống sinh sản. Trời không phụ lòng người, qua đợt cúm gia cầm, trang trại của thầy Trung có hơn 3.000 con bồ câu.

Bắt đầu từ đây, thầy tiếp tục đầu tư thêm gần 1.000 con giống bồ câu Pháp mimax và bồ câu kiểng. Theo đó, kết hợp công nghệ ấp trứng bằng lò, thầy Trung đầu tư chăm sóc bồ câu đẻ, lấy trứng ấp, sau tầm 20 ngày thì có bồ câu ra ràng cung ứng cho thương lái Đà Nẵng. Hiện tại, thầy Trung có tổng đàn bồ câu hơn 4.000 con, trung bình một tháng, thầy Trung bỏ sỉ 1.000 cặp bồ câu ra ràng với số tiền dao động  80.000 - 110.000 đồng/cặp, tùy loại. Riêng bồ câu kiểng, thầy Trung bán cho những người mê chim với giá 750 nghìn đồng/cặp.

Đến nay, tiếng lành nuôi chim bồ câu có nghề của thầy giáo trẻ được đồn xa, rất nhiều bạn trẻ từ Huế, Quảng Ngãi tìm đến trang trại chim bồ câu của thầy Trung học hỏi. Bạn Ngô Văn Thân (25 tuổi, trú tại Phú Lộc, Huế) cho biết: “Dù ở xa nhưng em vẫn thường tranh thủ vào trang trại của anh Trung học hỏi cách làm ổ đẻ cho chim mẹ, cách phân loại thức ăn khi nuôi chim thịt và chim đẻ. Nhờ sự tận tình chỉ bảo của anh Trung mà em có động lực khởi nghiệp từ nuôi loài chim này với hơn 1.000 con!”. Với sự nỗ lực cải thiện kinh tế sau những giờ đứng trên bục giảng, năm 2016, thầy Trung được Thị đoàn Điện Bàn tuyên dương là gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Nhận xét về thầy Trung, anh Nguyễn Văn Hùng, nguyên Bí thư Đoàn phường Điện Nam Trung hết lời khen: “Không chỉ là người thầy mẫu mực ở trường, thầy Trung còn là gương thanh niên tiêu biểu xuất sắc ở địa phương. Tự mày mò học hỏi nhưng thầy Trung đã phát triển trại bồ câu thành công ngoài mong đợi. Đây là tấm gương sáng cho các thanh niên khác noi theo”.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  685 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 27 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com