hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Hợp tác nuôi thỏ (08/03/2017)
Tạo việc làm, nâng cao thu nhập và gắn kết được nhiều thanh niên cùng chí hướng là thành công điển hình của Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi thỏ Thành Đạt ở xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn).

Thuận từ chủ trương

Anh Đặng Hữu Tú - Phó Bí thư Thường trực Thị đoàn, Chủ tịch Hội LHTN thị xã Điện Bàn từng cho biết, cách đây 2 năm, Thị đoàn có chủ trương khuyến khích các tổ chức cơ sở đoàn ở các địa phương thành lập THT thanh niên. Mô hình này không những phát huy được trí tuệ tập thể tham gia sản xuất, mà còn tránh cảnh từng người làm ăn manh mún, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến “mất cả chì lẫn chài”. “Từ chủ trương trên, chúng tôi dựa vào thực tế ở địa phương để triển khai. Và rồi, THT chăn nuôi thỏ Thành Đạt đã ra đời” - anh Lê Văn Thái, Bí thư Đoàn xã Điện Hòa nói. Vào thời điểm đó, xã Điện Hòa có 4 hộ chăn nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng thịt thỏ và có xu hướng cung không đủ cầu, giá cả luôn tăng. Thực tế cho thấy, chăn nuôi thỏ phù hợp với điều kiện gia đình nông thôn hiện nay, đồng thời không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, đầu tư chuồng trại ở mức vừa phải, thỏ lại ít bị dịch bệnh hơn so với các loài vật nuôi khác. Tuy nhiên, mỗi người nuôi theo mỗi kiểu khác nhau, nhiều thời điểm bị tư thương ép giá nhưng vẫn bán tống bán tháo.

Trang trại của anh Bình mỗi tháng xuất khoảng 100 con thỏ thịt và 50 con thỏ giống. Ảnh: H.C
Trang trại của anh Bình mỗi tháng xuất khoảng 100 con thỏ thịt và 50 con thỏ giống. Ảnh: H.C

Nhận thấy cần phải liên kết làm ăn mới hiệu quả, năm 2015, Đoàn xã Điện Hòa vận động thanh niên đang chăn nuôi thỏ tìm hướng phát triển mới. Tháng 6.2015, THT chính thức đi vào hoạt động với 5 thành viên. Số lượng thỏ tại thời điểm mới thành lập là hơn 1.000 con. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là chăn nuôi, cung cấp thỏ giống, thỏ thịt và thỏ thành phẩm. Anh Lê Văn Thái cho hay, trước khi ra đời THT, đoàn xã đã họp các hộ chăn nuôi xây dựng phương án kinh doanh, ký kết hợp đồng hợp tác thống nhất các quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Người đứng đầu tổ chức được phân công, phân nhiệm rõ ràng. Theo đó, Tổ trưởng Nguyễn Hữu Bình chịu trách nhiệm chung, nắm bắt toàn bộ quá trình chăn nuôi và số lượng thỏ tại THT. Tổ phó gánh vác nhiệm vụ tìm kiếm đối tác tiêu thụ, dự báo tình hình đầu ra sản phẩm. Mọi thành viên trực tiếp chăm sóc, báo cáo tình hình chăn nuôi tại trang trại đến với tổ trưởng, tổ phó để nắm bắt dễ dàng tiêu thụ sản phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đầu năm 2016, THT đã phối hợp cùng đoàn xã tham quan mô hình Hợp tác xã chăn nuôi thỏ kiểu mới tại Nam Hải Vân (TP.Đà Nẵng). Nhờ đó, họ nâng cao được kỹ năng chăn nuôi, xử lý dịch bệnh ở đàn thỏ.

Hiệu quả đáng mừng

Trước, trong và sau khi đi vào hoạt động, THT chăn nuôi thỏ Thành Đạt luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền xã Điện Hòa, các ban ngành liên quan. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Bình nói: “Tổ được cấp thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, tiếp cận những kênh vay vốn phù hợp. Nhờ vậy, chúng tôi mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại kinh doanh thỏ”. Các thành viên chia sẻ với nhau kinh nghiệm chăn nuôi và đặc biệt là cách phòng và chữa bệnh cho đàn thỏ. Hiện nay, họ đã áp dụng thành công mô hình ứng dụng xử lý phân và nước tiểu bằng chế phẩm sinh học, nhờ thế, vấn đề môi trường luôn được đảm bảo; mô hình sản xuất bột dạng viên đạt về tỷ lệ dinh dưỡng mà giá thành chỉ còn một nửa so với giá bột ngoài thị trường. Từ khi ra đời, THT đã thành lập chuỗi cung ứng, thu mua thỏ tận nơi. Do đó, thành viên không còn lệ thuộc để rồi bị tư thương ép giá như trước. Giá cả đầu ra luôn ổn định, thu nhập bình quân của mỗi tổ viên  6 - 15 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2016, tổ cung cấp ra thị trường trong và ngoài thị xã hơn 1.000 con thỏ giống, hơn 6 tấn thỏ thịt.

Anh Đặng Hữu Tú cho biết thêm, cuối tháng 11.2016, Hội LHTN Điện Hòa tham mưu Ban Thường vụ Đoàn xã và Hội LHTN thị xã Điện Bàn thành lập Câu lạc bộ chăn nuôi thỏ Thuận Lợi. Thành viên nòng cốt là THT chăn nuôi thỏ Thành Đạt và các hộ chăn nuôi thỏ trên địa bàn 2 xã Điện Hòa, Điện Thắng Nam và phường Điện Nam Bắc. Hội LHTN xã đã phối hợp với công an xã và THT tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi thỏ cho thanh niên hoàn lương, thanh niên xuất ngũ và thanh niên chưa có việc làm. Đến nay, Điện Hòa có gần 20 thanh niên và một số hộ dân chăn nuôi thỏ. Còn với THT, họ đã có tổng cộng 9 thành viên. Để nhân rộng thêm, đoàn xã tham mưu chính quyền địa phương trao 400 con thỏ giống cho các gia đình thanh niên. Đầu tháng 3 vừa qua, xã tiếp tục tổ chức trao sinh kế là 115 con thỏ giống (mua từ THT chăn nuôi thỏ Thành Đạt) cho 1 thanh niên hoàn lương, 1 thanh niên khuyết tật, 2 thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá hơn 21 triệu đồng.

Hướng tới tương lai, THT mong muốn các cấp, các ngành quan tâm phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi thỏ cho với thanh niên và các hộ dân. UBND xã, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Điện Bàn tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn nhằm mở rộng quy mô về chuồng trại và con giống. Cạnh đó, cấp trên quan tâm hỗ trợ về thuốc thú y tiêu dịch, khử trùng để đảm bảo tốt phòng chống dịch bệnh. Trạm kiểm dịch xem xét cấp giấy chứng nhận thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn để THT dễ dàng tiếp cận nhà hàng, khách sạn lớn tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phía bắc.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,330 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 27 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com