hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Chủ động ứng phó với mưa lũ (26/09/2016)
Thông qua các chương trình dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu, đường dân sinh tránh lũ, huyện Đông Giang đã và đang triển khai nhiều phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm nay.

Xóa “điểm đen” gây cô lập

Các xã vùng cao Đông Giang có địa hình cách trở, lại nhiều sông suối, vì thế hàng năm luôn tạo nên các “điểm đen” gây cô lập vào mùa mưa lũ. Để xóa các “điểm đen” này, những năm qua huyện Động Giang đã triển khai hàng loạt dự án đầu tư, hỗ trợ xây dựng cầu, đường dân sinh tại các thôn bản trên địa bàn. Tại xã Arooih, theo ông Hôih Bảy - Chủ tịch UBND xã, nhiều năm trước thôn Ka Đắp như một “ốc đảo” khó khăn nhất xã do địa hình cách trở bởi con sông A Vương. Suốt hàng chục năm, Ka Đắp luôn bị cô lập khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Bè nứa, vì thế trở thành phương tiện duy nhất của người dân mỗi khi qua sông. Năm 2014, từ nguồn vốn của chính phủ, huyện Đông Giang triển khai mở tuyến đường tránh từ thôn A Dinh 1 (thị trấn P’rao) về tận Ka Đắp, nhằm xóa “điểm đen” gây cô lập, tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Sau thời gian thi công, tuyến đường được hoàn thành trong niềm vui của dân làng Ka Đắp. “Bây giờ Ka Đắp không còn cô lập nữa, khi tuyến đường giao thông nông thôn đã được mở về tận làng. Nỗi lo của người dân đã không còn, đời sống nay đang có bước phát triển mới” - ông Bảy chia sẻ.

Cầu bê tông đi vào thôn K8 (xã Sông Kôn) giúp đồng bào yên tâm hơn trong mùa mưa lũ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cầu bê tông đi vào thôn K8 (xã Sông Kôn) giúp đồng bào yên tâm hơn trong mùa mưa lũ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết, theo thống kê có đến gần chục điểm khu dân cư trên địa bàn thường xuyên bị mưa lũ gây cô lập với 18 chiếc cầu treo đã bị hư hỏng, xuống cấp, chủ yếu ở các xã Jơ Ngây, A Ting, xã Ba, thị trấn P’rao… Trong các phương án lâu dài của địa phương về ứng phó với thời tiết mưa lũ, luôn ưu tiên chủ trương xóa dần các điểm đen gây cô lập, nhất là tại các khu dân cư tập trung và các khu vực trường học. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chỉ mới được thực hiện tại một vài điểm “nóng”. Khác với mọi năm, khi chiếc cầu bê tông cốt thép đã được hoàn thành, người dân ở thôn K8 (xã Sông Kôn) đã không còn lo ngại khi chuẩn bị bước đến mùa mưa lũ.

Cầu dài 33m với tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng được hoàn thành vào đầu năm nay trở thành động lực giúp địa phương tiếp tục quyết tâm thực hiện mục tiêu xóa dần cây cầu treo tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho người dân. Theo lộ trình, đến năm 2020, Đông Giang sẽ xóa hết cầu treo, thay vào đó là những chiếc cầu kiên cố vì sự an toàn tuyệt đối cho đồng bào miền núi. “Sau nhiều năm sử dụng, hàng loạt cầy cầu treo tại các huyện miền núi đã xuống cấp nghiêm trọng, do vậy địa phương rất mong các cấp các ngành sớm xóa bỏ cầu treo, thay bằng những cây cầu bê tông, vừa đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân miền núi, vừa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào” - ông Tuân nói.

Đảm bảo an toàn

Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, hàng năm địa phương luôn xây dựng các phương án tạm thời và lâu dài để chủ động ứng phó với mưa lũ. Không nằm ngoài mục đích đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của người dân, các phương án được chính quyền huyện Đông Giang vạch ra đã cho thấy tính chủ động cao, nhất là trong công tác vận động người dân, cũng như cắm lực lượng ứng phó kịp thời tại các điểm thường xuyên có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất và gây cô lập địa bàn. Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện, kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), huyện Đông Giang đã và đang đẩy mạnh các phương án mang tính chủ động và hiệu quả nhất. “Cùng với việc rà soát đảm bảo an toàn các hồ chứa, công trình thủy lợi, đường giao thông, chúng tôi còn chú trọng đến công tác khoanh vùng nguy hiểm, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi cần thiết và vận động người dân dự trữ lương thực trước mùa mưa bão hàng năm. Riêng tại các khu trung tâm như xã Ba, Jơ Ngây, P’rao và Kà Dăng, địa phương sẽ bố trí nguồn vốn để dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo trong thời gian 30 ngày” - ông Minh cho biết thêm.

Theo lộ trình triển khai công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2016 - 2020, huyện Đông Giang tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng, sửa chữa các công trình vừa đảm bảo theo mục tiêu, vừa đáp ứng nhu cầu phòng chống thiên tai của địa phương với tổng nguồn vốn hơn 360 tỷ đồng. Theo đó, bên cạnh hoàn thiện việc xây dựng các khu tái định cư tập trung tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao, chính quyền địa phương còn thực hiện kiên cố các trường học, trụ sở hành chính xã, nhà văn hóa cộng đồng làm nơi tránh, trú bão cho người dân. Đồng thời hoàn thành các tuyến đường tránh lũ An Điềm - Kà Dăng - A Sờ, cũng như các tuyến giao thông nông thôn liên xã, liên vùng. Hiện nhiều tuyến đường tránh lũ như: Za Hung - Jơ Ngây, A Duông 2 - Gừng, A Dinh 1 - Ka Đắp… đã được hoàn thành, góp phần xóa dần các “điểm đen” gây cô lập tại các khu dân cư trên địa bàn, đảm bảo an toàn, cũng như tích cực chuẩn bị các phương án ứng phó hiệu quả nhất trước mùa mưa lũ đang đến gần.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  583 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 233 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80 120 160 190 230
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com