hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Hỗ trợ bò cho người nghèo ở Quế Phước: Chăn nuôi khó đủ đường (26/09/2016)
Được nhận bò giống từ Chương trình 135, nhiều hộ nghèo và cận nghèo ở xã Quế Phước (Nông Sơn) chưa hết vui mừng đã phải lo lắng vì quá trình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Đổi bò kém chất lượng

Tháng 7.2015, từ nguồn vốn của Chương trình 135, UBND xã Quế Phước tổ chức trao 60 con bò giống cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn. Theo đó, mỗi con bò trị giá 14 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng và người dân góp vốn đối ứng 4 triệu đồng. Anh Trần Văn Vĩnh (39 tuổi, tổ 1, thôn Phú Gia 2) nằm trong đối tượng được hỗ trợ của chương trình. Lúc đó, vì mới làm nhà xong nên anh phải vay mượn khắp nơi để có được 4 triệu đồng làm vốn đối ứng. Nhận bò về, vì không có chuồng trại và cũng không có đất trồng cỏ nên anh Vĩnh đành thả bò ở triền núi sau nhà.

Dù là giống bò máu lai nhưng nhiều hộ dân vẫn nuôi thả. Ảnh: PHAN VINH
Anh Trần Văn Vĩnh với con bò giống được hỗ trợ. Ảnh: PHAN VINH

Mấy tháng sau, con bò của anh Vĩnh chậm phát triển, kích thước không khác gì lúc mới nhận về. Anh Vĩnh giải thích, đây là giống bò có nhóm máu lai, không phải bò thuần cỏ nên rất kén ăn. Hơn nữa, điều kiện tự nhiên ở xã Quế Phước phần lớn đều thiếu nước vào mùa nắng và ngập úng vào mùa mưa. Chính vì vậy mà quanh năm, nguồn thức ăn tự nhiên cho bò rất hạn chế. “Những hôm trời mưa liên tiếp, xung quanh nhà chỗ nào cũng ngập nước, tôi đành dắt bò lên núi rồi đi cắt dây bìm bìm làm thức ăn, nuôi kiểu đó bò rất khó phát triển” - anh Vĩnh cho biết.

May mắn hơn hộ anh Vĩnh, gia đình anh Võ Xuân Quang (35 tuổi, thôn Phú Gia 2) có hơn 1.000m2 đất trồng cỏ cho bò. Hơn nữa, sau khi nhận bò giống từ Chương trình 135, anh Quang đã vay mượn được 5 triệu đồng để xây dựng một chuồng trại kiên cố. Tuy nhiên, theo anh Quang, con bò giống mà gia đình anh nhận được lại kém chất lượng, trọng lượng thấp và kén ăn. Sau vài tháng nuôi, bò vẫn chậm phát triển. Anh Quang đã làm việc với đơn vị cung cấp bò và viết đơn gửi lên UBND xã Quế Phước xin đổi bò. Sau đó, anh phải bù thêm 2,5 triệu đồng để nhận được con bò mới có chất lượng tốt hơn. Anh Quang chia sẻ: “Được hỗ trợ bò giống, tôi rất mừng. Dù đã đầu tư khá nhiều, đúng với các quy định trong chăn nuôi nhưng do giống bò không tốt nên tốn rất nhiều tiền. Tính đến nay, số tiền tôi đầu tư nuôi bò đã hơn 10 triệu đồng. Mong rằng con bò mới này phát triển bình thường”.

Ông Trần Viết Thành - cán bộ nông lâm nghiệp xã Quế Phước nói: “Trong tổng số 60 con bò giống được cấp cho các hộ nghèo và cận nghèo của địa phương năm 2015, đến nay đã có 12 hộ xin đổi bò vì giống kém chất lượng. Ngoài ra còn có 1 con bò đã chết”.

Cần thay đổi hình thức chăn nuôi

Theo thông tin từ UBND xã Quế Phước, đợt trao bò giống theo Chương trình 135 năm 2015, các chỉ số chất lượng do phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn kiểm định từ đàn bò của đơn vị cung cấp có tỷ lệ máu lai khoảng 20 - 30%, trọng lượng bò từ 120kg trở lên. Trao bò cho các hộ dân theo hình thức 60 hộ bốc ngẫu nhiên số thứ tự trong 60 con bò giống. 

Chăn nuôi chuồng trại tập trung chủ động được nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho bò. Ảnh: PHAN VINH
Chăn nuôi chuồng trại tập trung sẽ chủ động được nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho bò. Ảnh: PHAN VINH
Cuối tháng 9.2016, UBND xã Quế Phước tiếp tục trao 24 con bò giống cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn từ nguồn vốn của Chương trình 135. Mỗi con bò trị giá 15 triệu đồng, người dân góp vốn đối ứng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, hình thức trao sẽ có sự thay đổi. Người dân và lực lượng kiểm định chuyên môn sẽ trực tiếp chọn ra hơn 24 con bò giống từ đơn vị cung cấp. Sau đó sẽ tiến hành bốc ngẫu nhiên số bò đã được chọn lựa. Dưới hình thức này, người dân sẽ chủ động trong việc chọn giống bò ưng ý.

Ông Huỳnh Bá Cường - Chủ tịch UBND xã Quế Phước khẳng định việc trao bò giống cho các hộ nghèo và cận nghèo năm 2015 đã gặp phải nhiều bất cập do lần đầu triển khai thực hiện. Dù đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, nhưng khi nhận giống bò có nhóm máu lai, nhiều hộ dân vẫn không đủ điều kiện để đầu tư chuồng trại, trồng cỏ hoặc mua thức ăn cho bò. Mặt khác, điều kiện tự nhiên, khí hậu trên địa bàn cũng hết sức khắc nghiệt. Vào mùa nắng, nhiều vùng không chủ động được nguồn nước đã gặp khó khăn trong việc trồng cỏ cho bò. Mùa mưa, diện tích đất bị ngập úng tăng cao, thức ăn mà người dân cung cấp cho bò cũng hạn chế và kém dinh dưỡng, chủ yếu gồm rơm khô, chuối cây hoặc lá rừng.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho bò vào mùa mưa, UBND xã Quế Phước sẽ phối hợp với Chương trình phát triển vùng của huyện Nông Sơn tổ chức tập huấn cho người dân cách tạo thức ăn bằng phương pháp ủ men vi sinh. “Trao bò giống theo Chương trình 135 cho các hộ nghèo trên địa bàn nhằm tạo sinh kế cho người dân, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng chuồng trại theo quy mô gia đình đối với họ còn nhiều trở ngại. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến khích người dân chăn nuôi theo hình thức xây dựng chuồng trại tập trung để mang lại hiệu quả cao nhất, tránh những rủi ro về thiên tai và dịch bệnh” - ông Cường cho biết thêm.

Theo baoquangnam.vn

Lượt xem:  549 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 232 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80 120 150 190 230
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com