hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Nuôi chim yến: Hướng đi mới ở vùng Đông Thăng Bình (11/05/2016)
Về thôn Trà Đóa xã Bình Đào, hỏi thăm anh Trần Hữu Long không ai không biết đến, anh Long không chỉ nổi tiếng là một người yêu thơ, nhạc mà còn là người được người dân nơi đây đặt cho biệt danh “Thần gọi chim”. Hỏi ra mới biết, anh chính là người đi tiên phong trong việc nuôi chim yến tại địa phương, tuy chỉ mới hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng mô hình nuôi chim yến của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, khiến bao người phải mơ ước.
Tổ yến từ lâu được biết đến là một loại thực phẩm đem lại hàm lượng dinh dưỡng cao, và được coi như là một loại thuốc quý, có khả năng phục hồi sức khỏe nhanh chóng cho con người. Tại Việt Nam, một số nơi ven biển như Khánh Hòa, Cù Lao Chàm (Hội An)…được xem là vựa yến, bởi những vùng này thường thu hút rất lớn số lượng yến về làm tổ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sự biến đổi thất thường của khí hậu, nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện mô hình nuôi chim yến trong nhà, nhằm tương thích với điều kiện tự nhiên hiện nay. Vốn là người chăm chỉ, chịu khó học hỏi, lại là người có niềm đam mê nuôi chim yến, anh Trần Hữu Long ở tại tổ 2, thôn Trà Đóa xã Bình Đào, đã không ngại bỏ thời gian công sức, tiền của, tạm gác công việc hằng ngày để đến những vùng như Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa…để học hỏi kinh nghiệm và công nghệ nuôi chim yến trong nhà. Song song với việc đi thực tế để tìm hiểu các mô hình, học tập công nghệ, kỹ thuật từ những người đi trước, anh Long còn tự tìm tòi, nghiên cứu trên sách báo, mạng điện tử nhằm tìm hướng đi khả quan nhất cho việc nuôi chim yến trên chính quê hương mình. Sau nhiều năm trời ròng rã nghiên cứu, cuối cùng dự định ấp ủ hàng chục năm của anh đã được thực hiện. Năm 2012, anh cùng 3 người bạn khác, hùn vốn và quyết định xây dựng nhà Yến (số 1), trên diện tích 400 mét vuông tại tổ 6 thôn Trà Đóa với số vốn hơn 1 tỉ đồng.

Nhà nuôi yến (số 1) được xây dựng hơn 1 tỷ đồng

     Nói về quyết định có phần mạo hiểm này, anh tâm sự: “ Trước khi quyết định bắt tay vào thực hiện nhà Yến đầu tiên này, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, từ đó áp dụng kỹ thuật tân tiến để tạo điều kiện thuận lợi nhất, thu hút chim yến quay về làm tổ”. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên thu hoạch tổ yến, Nhà yến số 1 chỉ có vài chục cặp yến, cho ra vỏn vẹn 1 kg yến thương phẩm, với giá bán 35 triệu đồng 1 kg, thì lứa tổ yến thu hoạch đầu tiên này chỉ đủ trang trải cho chi phí kỹ thuật trong nhà yến. Không nản chí, anh tiếp tục nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu tập tính sinh hoạt, nguồn thức ăn, thay đổi phương pháp thu hút yến về làm tổ. Dần dần, số lượng chim yến tập trung về ngày một đông hơn. Cứ mỗi năm, lượng chim yến tăng lên theo cấp số nhân. Tính đến thời điểm này, nhà yến số 1 của anh Long đã có gần 1000 tổ, với số lượng gần 1500 cặp chim yến. Anh Long cho biết thêm: “Mỗi năm thường có 2 vụ thu hoạch tổ yến. Vụ đầu tiên bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, bởi thời điểm này, chim yến thường sinh nở nhiều. Và đợt 2 là vào tháng chạp âm lịch, đây là thời điểm yến ngoài đảo thường bay về để tránh gió mùa Đông Bắc và bắt đầu làm tổ, đây được coi là mùa thu hoạch với chất lượng tổ yến tốt nhất”. Trong năm 2015 vừa qua, nhà yến số 1 của anh Long đã cho ra hơn 10 kg tổ yến, trừ các chi phí phát sinh, hiệu quả từ việc thu hoạch tổ yến cho thu nhập lên đến 300 triệu đồng/năm.
     “Cơ sở nuôi yến được xây dựng giữa miền đồng quê trong lành, với hệ thống âm thanh của chim yến đã dẫn dụ đàn yến từ Cù Lao Chàm vào làm tổ trong nhà. Bên cạnh đó, bên trong nhà yến được thiết kế bằng đá tự nhiên, hệ thống không gian, độ ẩm, nguồn nước tự nhiên nên sản phẩm không hề bị ảnh hưởng bởi rêu, mốc, hay côn trùng. Nhiều du khách thập phương khi ghé vào thưởng thức yến sào đánh giá rất cao hương vị và chất lượng yến sào của gia đình không thua kém gì với yến sào ở một số vùng yến sào nổi tiếng khác.”- chị Vinh, vợ anh Long cho hay. 

Nhà nuôi yến (số 2) được xây dựng gần 1 tỷ đồng

     Nhận thấy hiệu quả từ nhà yến số 1, đồng thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ nhà yến đầu tiên, cuối năm 2015, gia đình anh Trần Hữu Long quyết định tiếp tục đầu tư xây dựng nhà nuôi yến số 2 trên diện tích gần 300 mét vuông. Tuy chỉ mới hoạt động chưa đầy năm tháng, nhưng nhà yến số 2 thu hút rất lớn số lượng yến tập trung về làm tổ. Anh cho rằng, những xã cánh Đông ven sông Trường Giang của Thăng Bình, có điều kiện rất thuận lợi để phát triển việc nuôi chim yến, “ bởi đây là vùng gần biển, điều kiện tự nhiên, hướng gió rất thuận lợi cho sự di chuyển của chim yến”- anh nói.

Sơ chế sản phẩm tổ yến thô

Trụ sở của Công ty

     Năm 2014, Anh Trần Hữu Long đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Yến Sào Đất Quảng, chuyên cung cấp sĩ và lẻ các loại yến sào tự nhiên. “Toàn bộ tổ yến khi được thu hoạch về sẽ được gia đình tham gia sơ chế, mọi công đoạn đều được thực hiện thủ công, chính điều này đã giữ được chất lượng yến sào nguyên chất nhất”- chị Vinh cho biết.

Sơ chế bằng phương pháp thủ công để giữ chất lượng thơm ngon tự nhiên của Yến

     Bên cạnh việc sản xuất và kinh doanh yến sào, công ty do anh đảm nhiệm, còn tổ chức, khảo sát, tư vấn thiết kế, chuyển giao công nghệ nuôi yến, đã có không ít người khắp nơi trong và ngoài tỉnh chung niềm đam mê nuôi yến, đã tìm đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình của gia đình. Với tiềm năng và điều kiện sẵn có, cơ hội phát triển quy mô lớn và nâng cao năng suất của mô hình nuôi yến là việc hoàn toàn có thể. “Mặc dù Công ty Yến Sào Đất Quảng của gia đình đã có website riêng, việc quảng bá thương hiệu của yến sào tại địa phương đến với khách hàng cũng được chúng tôi triển khai thường xuyên, nhưng, chúng tôi cần có một cơ quan, Hiệp hội, ngành… có tiếng nói chung về yến sào, để mặt hàng này tiếp cận người tiêu dùng với giá cả và chất lượng tốt nhất”- Anh Long giải bày tâm sự.

Súp Yến- một trong những đặc sản của công ty Yến sào Đất Quảng


Logo: Yến sào Đất Quảng (bên phải))

     Có thể nói, yến sào là một mặt hàng có giá trị kinh tế rất lớn, yến sào Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng được cho là sản phẩm có chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao, được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Tại các xã vùng Trung và vùng Đông của Thăng Bình, trong tương lai không xa, các cơ quan có thẩm quyền nên có nhiều chính sách, đề án hỗ trợ với việc phát triển kinh tế vùng, tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương, quy hoạch phát triển nuôi yến với quy mô tập trung, thúc đẩy quảng bá thương hiệu, tạo đà cho sự phát triển chung của nền kinh tế toàn huyện.

Với những hiệu quả bước đầu, mô hình nuôi Yến của công ty, luôn thu hút nhiều người đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm

 

Theo thangbinh.gov.vn

Lượt xem:  1,790 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 18 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com