|
Anh Đậm chăm sóc rau màu |
Khởi nghiệp với 11.000 m2 đất chuyên trồng lúa, thấy lúa cho hiệu qủa kinh tế không cao, nhiều vụ bị dịch bệnh, sâu rầy phá hoại, không có lãi. Trước thực tế đó, gia đình anh Đậm quyết định chuyển 5.000 m2 đất, lên liếp trồng chuyên canh cây màu, số đất còn lại vẫn duy trì diện tích lúa. Nhờ có truyền thống sản xuất nông nghiệp, nên bước đầu gắn bó với cây màu không quá khó với gia đình anh Đậm. Gia đình anh bắt đầu trồng các loại rau màu từ bầu, bí, dưa leo, bắp cho đến các loại rau củ. Nhờ diện tích chuyên canh lớn, trồng tập trung, biết nắm bắt nhu cầu thị trường nên nhiều vụ rau màu trúng mùa, được giá và mỗi vụ gia đình anh Đậm đều có lãi cao, lợi nhuận gấp 3 - 4 lần so với cây lúa.
Bên cạnh đó, gia đình anh Đậm chăn nuôi thêm bò và tận dụng các loại cây như bắp, đậu, rau muống sau khi thu hoạch làm thức ăn cho bò. Song song đó, để dự trữ thêm cỏ cho bò, gia đình anh Đậm dành ra một khoảng đất trống để trồng cỏ. Hiện tại, bò đã sinh sản, phát triển tốt và gia đình anh chuẩn bị tăng số lượng đàn bò và chọn đây là vật nuôi chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Anh Đậm nói: “Nuôi bò chủ yếu lấy công làm lãi, sản xuất nông nghiệp, trồng rau màu nên rất nhiều cỏ và các loại rau màu sau khi thu hoạch còn làm thức ăn cho bò được. Ngoài ra, rơm sau khi thu hoạch, nếu trước đây mình đốt đồng thì nay mình đem về chất lại thành cây, để khi nào nắng hạn hay mưa dầm thiếu cỏ sẽ sử dụng rơm làm thức ăn cho bò, ít tốn chi phí mua thức ăn nên lợi nhuận từ nuôi bò là rất khá. Phân bò thì mình ủ oai, để dành trồng rau màu, tiết kiệm được tiền mua phân hóa học”.
Ngoài ra, gia đình anh Đậm còn xây chuồng và chăn nuôi thêm heo thịt và heo sinh sản, đồng thời làm thêm nghề chà lúa thuê để tăng thêm thu nhập và tận dụng cám sau mỗi vụ chà lúa kết hợp với bột mì cộng với thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho heo. Nhờ cách kết hợp này đã tiết kiệm được chi phí, tăng thu nhập trong chăn nuôi, hạn chế bị thua lỗ mỗi khi giá heo hơi xuống thấp mà giá thức ăn lại tăng cao. Anh Đậm cho biết: “Nếu người nuôi heo thường sử dụng thức ăn công nghiệp, giá thành cao, khi xuất bán heo sẽ không có lãi cao, đôi khi giá heo xuống thấp lại còn bị thua lỗ. Đối với tôi, cách làm này, đảm bảo có lãi, heo mau lớn, ít dịch bệnh, lại tiết kiệm được chi phí”.
Từ khi mô hình trồng màu kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Đậm khuyến khích bà con nhân dân chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu cho hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, nhiều hộ gia đình tại xã Tân Phú đã mạnh dạn chuyển đất lúa sang trồng màu chuyên canh hoặc xen canh góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống của gia đình. Việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả là một trong những việc làm quan trọng, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí “hộ nghèo” trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chính sự cần cù, siêng năng, biết sống vì mọi người, gia đình anh Đậm luôn được bà con yêu thương, quý mến.
Nói về anh Cai Văn Đậm, ông Lê Văn Xóm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú cho biết: “Không chỉ bản thân anh Đậm là hội viên gương mẫu của Hội Nông dân xã, mà gia đình anh còn được biết đến là một gia đình Văn hóa tiêu biểu, điển hình của địa phương trong phong trào xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới. Anh Đậm luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm mà mình tích lũy được cho bà con nông dân xung quanh cùng ứng dụng vảo sản xuất, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác cũ, giảm bớt chi phí đầu tư, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống”.