Ông Châu Ngọc Phúc - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông, cho biết: “Khi bắt đầu xây dựng NTM, xã chỉ đạt 1 tiêu chí. Người dân sống bằng nghề nông, đời sống còn khó khăn, việc huy động sức dân đóng góp xây dựng NTM không nhiều. Trước đầy rẫy khó khăn, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã vẫn xác định vượt qua thử thách để xây dựng NTM”. Năm 2012, Tam Mỹ Đông hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM. Theo đó, lãnh đạo xã đầu tư cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sản xuất và để thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. “Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ được tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM và kêu gọi sự chung tay của bà con nhân dân. Vì vậy, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã huy động sức dân thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, dồn điền đổi thửa, thủy lợi với khối lượng đào đắp khoảng 37.000m3, kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Đến nay, xã đã bê tông được toàn bộ 20,4km đường liên xã, liên thôn, kiên cố hóa được 9,1km kênh mương loại III, xây mới nhà văn hóa thôn Đa Phú 2 và sửa chữa nâng cấp 4 nhà văn hóa thôn khác…” - ông Châu Ngọc Phúc nói. Ngoài ra, các công trình trạm y tế, trường học được đầu tư xây dựng đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, học tập của nhân dân trong xã.
Bên cạnh đó, Tam Mỹ Đông cũng thực hiện nhiều giải pháp để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong 5 năm, địa phương có 16 mô hình sản xuất hiệu quả từ các nguồn vốn NTM, vốn lồng ghép và vốn nhân dân tự đầu tư trên 1,7 tỷ đồng. Hợp tác xã nông nghiệp cũng được hình thành bước đầu đã ăn nên làm ra. Rất nhiều hộ dân được hưởng lợi từ việc đầu tư phát triển sản xuất trong quá trình xây dựng NTM. Có 22 hộ dân được hỗ trợ mua máy gặt đập, máy làm đất để làm dịch vụ nông nghiệp và nhiều mô hình trang trại được hỗ trợ. Nhờ đó, nhiều bà con nông dân đã vươn lên làm giàu. Để nâng cao năng suất, lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tiến hành dồn điền đổi thửa trên 3 cánh đồng Phú Quý, Trà Tây, Đa Phú với diện tích trên 100ha. Nhờ đó, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật xây dựng các mô hình chuyên canh sản xuất được thuận lợi nên hiệu quả kinh tế, thu nhập của người dân xã Tam Mỹ Đông được tăng lên đáng kể.
“Khi mới phát động xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người ở địa phương chỉ 9 triệu đồng/năm, đến nay đã tăng lên 23,6 triệu đồng/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90% và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,95%” - ông Châu Ngọc Phúc cho hay.
H.A.THƯ
Theo Báo Quảng Nam