hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Thành quả của nông thôn mới (19/01/2016)
Đại Minh - xã vùng B Đại Lộc như khoác lên mình tấm áo mới sau chặng đường 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Để có được thành quả như hôm nay, địa phương đã biết phát huy thế mạnh, vai trò chủ thể của nhân dân… trong hành trình xây dựng NTM.

Động lực phát triển kinh tế

Những ngày này, khắp làng quê Đại Minh rộn ràng khí thế của xã vừa đạt danh hiệu chuẩn NTM. Đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, ban đêm ánh điện đường sáng bừng trong từng ngõ ngách. Đường về Đại Minh không còn xa bởi các trục đường liên thôn, liên xã đã đấu nối thông suốt. Quảng Huệ, Phước Bình, hai thôn nghèo khó, đường sá lầy lội, nơi có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao đã “thay da đổi thịt”. Khắp đầu thôn cuối xóm của Quảng Huệ nay đã có đường bê tông phẳng lỳ, trải dài, nhà cửa được xây cất khang trang, cả thôn chỉ còn vài hộ nghèo. Phước Bình, từ chỗ là một thôn nghèo khó, nay nhiều gia đình đã khấm khá, xây cất nhà cửa khang trang, một phần rất lớn là nhờ nguồn lực từ xuất khẩu lao động. Chính con đường xuất khẩu lao động đã mở ra triển vọng mới trên con đường lập thân lập nghiệp trong một bộ phận giới trẻ ở Phước Bình, góp sức dựng xây quê hương.

Vùng chuyên canh sản xuất rau quả Đại Minh. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Vùng chuyên canh sản xuất rau quả Đại Minh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ông Phan Năm - Chủ tịch UBND xã Đại Minh chia sẻ, ở thời điểm triển khai NTM, Đại Minh có xuất phát điểm rất thấp, chỉ mới đạt 5 - 6 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 17 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 10%... Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm còn 3,95%, bình quân thu nhập đầu người đã nâng lên hơn 24 triệu đồng/năm. Cũng theo ông Phan Năm, trong xây dựng NTM, Đại Minh đã cố gắng phát huy thế mạnh của một xã vốn là tâm điểm của vùng B, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế so với các vùng lân cận. Xác định kinh tế là động lực của sự phát triển, địa phương đã quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, có cơ chế khuyến khích phát triển đối với các làng nghề truyền thống trống Lâm Yên, mây tre đan, bánh tráng… nhằm giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương. Cùng với đó, xã đã chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, ví như mô hình trồng bí xanh, khổ qua, đậu cô ve, mướp trái vụ, mô hình cải tạo vườn tạp, sản xuất lúa giống cấp I...

Đại Minh hiện có 4 tổ hợp tác: làm đũa, cơ giới, vật tư nông nghiệp và Tân Đại Minh (tổ hợp tác chăn nuôi) là những tổ chức kinh tế trợ lực, tạo việc làm cho thanh niên, nông dân. Địa phương cũng có 3 HTX: mây tre đan Đại Minh, trống Lâm Yên và HTX Nông nghiệp Đại Minh, vốn là những tổ chức kinh tế đã đóng góp, tạo sự đa dạng cho bức tranh nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã. HTX Nông nghiệp Đại Minh bước đầu đã thể hiện vai trò “bà đỡ”, là chỗ dựa của nông dân trong việc cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp trả chậm; điều hành hệ thống thủy lợi, tưới tiêu; chỉ đạo và định hướng nông dân sản xuất chuyên canh cây lúa giống, cây màu có bao tiêu sản phẩm cho thu nhập cao. Theo ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh, hiện vùng sản xuất lúa giống chuyên canh Đại Minh đã được quy hoạch 180 - 200ha, thu hút khoảng 500 hộ dân tham gia chủ yếu sản xuất hai giống lúa chủ đạo BC15 và TBR 45, ước tính lãi suất đem lại từ cánh đồng mẫu hàng năm cho nông dân hơn 3 tỷ đồng. Ngoài cây lúa giống, Đại Minh cũng đã quy hoạch vùng chuyên canh cây màu, tạo thế mạnh của địa phương trong sản xuất cây đậu xanh, ớt, thuốc lá, dưa leo, đậu cô ve…

Phát huy vai trò chủ thể

“Tinh thần tự nguyện tự giác của nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM còn thể hiện ở việc hiến hàng trăm, hàng ngàn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn, làm công trình điện thắp sáng trên tuyến ĐH (đường huyện). Nhiều hộ dân khi được tuyên truyền đã vui vẻ nhường đất, để những tuyến đường mọc lên, để điện về thắp sáng làng quê. Đó là thành quả, nỗ lực lớn trong vận động, tuyên truyền, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân mà Đại Minh có được”.
(Ông Ngô Văn Sáu - Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh)

Ông Ngô Văn Sáu - Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh cho biết, trong xây dựng NTM, người dân đóng vai trò chủ thể. Để phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập hợp sức mạnh nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. NTM cũng là quá trình lâu dài và liên tục, vậy nên hội tụ sức mạnh và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đó là chìa khóa của thành công. Bởi khi người dân hiểu, họ sẽ đồng thuận, chung tay góp sức, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Qua thực tiễn, xuất hiện nhiều điển hình trong phong trào “hiến đất làm đường”, điển hình về xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, xây dựng các công trình dân sinh, thiết chế văn hóa địa phương. Có thể kể đến tấm gương của cụ Phạm Thành, một cán bộ hưu trí địa phương tuổi cao đã không quản ngại khó khăn, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa vì sự học quê nhà; ông Nguyễn Thành Tám, một người con Đại Minh đã xây dựng gần 2km đường bê tông giao thông nông thôn nối liền thôn Phú Mỹ và Phước Bình với trị giá trên dưới 2 tỷ đồng. Hay ông Trịnh Đình Kháng, một cán bộ lão thành cách mạng hiện sống ở Lâm Đồng đã đóng góp cả trăm triệu đồng làm cầu Bản bắc qua kênh N14 nối Đại Minh và Đại Thắng.

Vai trò chủ thể của nhân dân được thể hiện rõ rệt qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với sự chuyển biến sâu rộng, xuất hiện nhiều mô hình gia đình văn hóa, tộc văn hóa, thôn văn hóa... ngày càng có sức lan tỏa, được nâng lên về chất lẫn lượng trong phong trào. Tại Đại Minh, lễ hội kỳ yên được diễn ra hằng năm trong không khí trang nghiêm, ấm cúng; lễ Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra long trọng tại Văn Thánh miếu, cũng là dịp khen thưởng, tôn vinh sự học quê nhà. Hay như trong phong trào chung tay gìn giữ môi trường, 8/8 thôn của xã có tổ thu gom rác, thùng đựng rác được bố trí tại mỗi khu dân cư, người dân đã có ý thức bỏ rác thải vào thùng, không còn vứt bừa bãi ra môi trường như trước. Đặc biệt, qua 5 năm xây dựng NTM, bên cạnh nguồn lực Nhà nước và các nguồn lực khác thì Đại Minh đã huy động nguồn lực do nhân dân đóng góp đạt hơn 27 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng nguồn vốn. Không chỉ đóng góp tiền của, người dân còn đóng góp ngày công lao động xây dựng các hội trường, nhà văn hóa đa năng, khu thể thao xã... Có thể nói, công cuộc xây dựng NTM ở Đại Minh đã có sức lan tỏa sâu rộng đến từng hộ, tộc họ, khu dân cư. Chính mỗi gia đình, mỗi tộc họ, mỗi khu dân cư là những cá thể, những động lực của NTM.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,102 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 166 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100 130
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com