hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Đánh thức Gò Nổi (13/01/2016)
Là nơi in đậm những dấu tích văn hóa lịch sử, vùng đất Gò Nổi khá đặc biệt ở Quảng Nam với những tên đất, tên làng, tên người gợi nhiều cảm xúc trong lòng lữ khách. Kỳ vọng về một sản phẩm du lịch đặc thù đang được Điện Bàn ấp ủ xây dựng nhằm tạo nên một điểm nhấn mới của du lịch thị xã tương lai.

Bề dày văn hóa

Gò Nổi là vùng đất gồm 3 xã Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang. Dù diện tích không lớn nhưng dày đặc những tên người, tên đất in đậm vết tích lịch sử - văn hóa. Dường như nơi đâu trên vùng đất này cũng bắt gặp dấu xưa của những tên tuổi đã làm rạng danh xứ Quảng như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Dương Hiển Tiến... Mảnh đất Gò Nổi cũng là nơi sinh ra những người con ưu tú trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm như y sĩ - liệt sĩ Lê Đình Dương, bác sĩ - cư sĩ Lê Đình Thám, nhà hoạt động cách mạng Phan Thanh; Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), là nữ anh hùng Trần Thị Lý, cùng nhiều cái tên mà sử sách nghìn đời còn ghi nhớ.

Phong cảnh làng quê Gò Nổi hứa hẹn sẽ mang đến cho khách những trải nghiệm thú vị. Ảnh: K.LINH
Phong cảnh làng quê Gò Nổi hứa hẹn sẽ mang đến cho khách những trải nghiệm thú vị. Ảnh: K.LINH

Đây cũng là nơi chứng kiến bao chiến công của quân và dân Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng những địa danh Kho Muối, lò gạch Trừng Giang, chợ Chương Dương… Gò Nổi cũng là vùng đất quyến rũ với phong cảnh làng quê thơ mộng với dòng sông Thu Bồn, Bàu Lỡ, Vũng Rồng hay những cánh đồng lúa xanh tươi tốt, những làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa; trồng mía làm đường bát; mây tre, trồng hoa, gỗ mộc… dệt lên câu chuyện kể sinh động về một mảnh đất địa linh nhân kiệt trong lòng du khách.

Có thể nói, hiếm nơi nào của Quảng Nam hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, làng quê, làng nghề như vùng đất Gò Nổi. Điều này cũng đã được các doanh nghiệp lữ hành khẳng định trong chuyến khảo sát du lịch diễn ra mới đây, nhất là các giá trị nhân văn, phong cảnh thiên nhiên, làng quê sông nước. Ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) cho rằng, với những lợi thế của mình, phát triển du lịch Gò Nổi nên tập trung vào hai sản phẩm chính là làng nghề và văn hóa lịch sử. Trong đó, làng nghề tập trung vào khai thác các làng hiện có là mây tre, hoa, gỗ… “Sản phầm này sẽ hướng đến hai thị trường chính là khách đi Mỹ Sơn ghé vào và khách là học sinh, sinh viên, đoàn thể đến tham quan nghiên cứu tìm hiểu lịch sử, danh nhân” - ông Lộc gợi ý.

Xây dựng định hướng du lịch

Dù được xác định có nhiều giá trị, tiềm năng để phát triển du lịch nhưng các doanh nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận, hầu hết những giá trị này mới chỉ ở dạng thô, chưa kể khoảng cách các điểm rời rạc, hạ tầng giao thông, dịch vụ còn yếu kém chưa hoàn thiện. Vì vậy, để tạo dấu ấn sản phẩm du lịch Gò Nổi phải có sự khác biệt. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Nhà hàng Phố Trăng còn cho rằng, Gò Nổi hãy khoan phát triển du lịch mà nên làm nhà cung cấp dịch vụ, hàng thủ công mỹ nghệ cho Hội An, Đà Nẵng. Khi xây dựng được thương hiệu vững chắc lúc đó du khách sẽ tự tìm đến. Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, phát triển du lịch - dịch vụ là một trong những hướng đi chủ đạo trong chuyển dịch kinh tế của thị xã những năm đến. Do vậy, giai đoạn ngắn hạn thị xã sẽ tập trung phát triển hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức khảo sát điểm đến, tăng cường quảng bá xúc tiến hình ảnh để tạo hiệu ứng. Về lâu dài mới có thể quy hoạch phát triển du lịch Gò Nổi với ưu tiên là du lịch cộng đồng dựa trên trục liên kết chính là đường sông kết nối Hội An - Triêm Tây - làng nghề Đông Khương (Điện Phương) - Gò Nổi. “Hiện nay chúng tôi vẫn đang tham vấn ý kiến của các nhà chuyên môn, doanh nghiệp lữ hành về những ý tưởng, định hướng phát triển du lịch Gò Nổi dựa trên những đánh giá và phân loại tài nguyên du lịch nơi đây. Từ đó lựa chọn những tài nguyên có giá trị để khai thác đầu tư theo hướng phát triển phục vụ du lịch. Cùng với đó, sẽ nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị các tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch” - ông Hà nói.

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận xét, so với các địa phương khác, Điện Bàn có một số điểm nổi bật nhưng cũng chủ yếu tập trung ở phía đông, nên việc thúc đẩy phát triển du lịch Gò Nổi là rất quan trọng. Và thực tế, vùng đất này cũng có rất nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch, nhất là từ thành công của xây dựng nông thôn mới và kinh nghiệm từ các làng du lịch đi trước sẽ giúp nơi đây rút ngắn thời gian phát triển. “Theo tôi, Gò Nổi phải chọn điểm hạt nhân để tạo sự lan tỏa dựa trên những lợi thế vốn có. Riêng với sở, trong thời gian tới sẽ đưa Gò Nổi vào quy hoạch du lịch chung của tỉnh. Đồng thời sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức người dân về du lịch cộng đồng cũng như xây dựng clíp quảng bá nhằm tạo ra giá trị thu nhập gia tăng cho người dân trong vùng thời gian đến” - ông Cường nói.

KHÁNH LINH

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,097 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 165 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100 130 160
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com