hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Cây cao su ở vùng núi Nam Giang (03/08/2015)
Những cây cao su đầu tiên trên đất Nam Giang đã cho mủ, đánh dấu bước chuyển mình của vùng cao trong nỗ lực tái cơ cấu cây trồng, tìm hướng đi mới cho người dân phát triển kinh tế.

Thành quả bước đầu

Con đường dẫn vào những cánh rừng cao su thôn Đồng Râm thuộc thị trấn Thạnh Mỹ rợp mát, len lỏi dưới những tán cây đã vươn cao. Kể từ khi cây cao su đầu tiên được trồng năm 2008, tổng diện tích cao su đã phát triển lên xấp xỉ 1.335ha, trong đó Đồng Râm là nơi đầu tiên cây cao su hiện diện ở vùng đất Nam Giang. Từ những bỡ ngỡ ban đầu của người dân bản xứ, dần dần, cây cao su được chăm bón, vươn xanh, cũng là lúc thói quen canh tác lạc hậu dần dần xóa bỏ trong nếp nghĩ, nếp làm. Ông Pơloong Ánh ở thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, cho biết: “Trước đây, người dân chủ yếu làm rẫy, trồng lúa, tới mùa thì đi hái ươi, chặt đót để có gạo muối ăn thôi. Từ ngày tham gia hợp tác trồng cây cao su, mới biết nhận “lương”, có tiền để mua gạo, mua đồ đạc. Nhà nào nhận chăm sóc cao su cũng đều được trả tiền, đỡ vất vả hơn đi rẫy làm nương”.

Công nhân cạo mủ cao su đầu tiên. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Công nhân cạo mủ cao su đầu tiên. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Niềm hân hoan của ông Ánh cũng là nỗi vui chung của những gia đình tham gia nhận khoán, trồng và chăm sóc cây cao su cho Công ty Cao su Nam Giang. Chính quyền địa phương trở thành cầu nối đắc lực giữa doanh nghiệp và người dân bản địa, từ chỗ chỉ quen canh tác trên đất đồi để trồng sắn, lúa, họ tình nguyện giao đất, trở thành nhân công lao động gắn bó với cây cao su. Thời gian đầu, khi cây cao su vừa bám rễ, người dân tranh thủ được những khoảng thời gian rảnh rỗi để nhận khoán chăm sóc. Tiền công chăm sóc được nhận là một khoản thù lao tương xứng, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống, từng bước ổn định thu nhập. Chính những tín hiệu khả quan đó đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng diện tích, người dân bắt đầu giao đất nhiều hơn để nhận khoán chăm sóc và hưởng lợi từ việc chuyển đổi cây trồng sang cao su. “Thấy các nhà nhận khoán chăm sóc cao su có lợi hơn trồng lúa, được nhận tiền công chăm sóc đều đặn, nên gia đình tôi cũng xin đăng ký tham gia. Thay vì làm rẫy, trồng lúa, giờ nhiều người cũng bắt đầu tham gia trồng cao su” - chị Arất Thị Vân (thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ) cho biết. Tháng 7 này, Công ty Cao su Nam Giang khai thác lứa mủ cao su đầu tiên trên đất Nam Giang. Sau một thời gian dài bắt đầu triển khai thực hiện, cây cao su đã cho được những giọt mủ đầu tiên, là thành quả bước đầu cho nỗ lực tái cơ cấu cây trồng. Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nói: “Định hướng của huyện là tranh thủ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho việc tái cơ cấu cây trồng, con vật nuôi dựa trên tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp của địa phương. Cây cao su được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế, vừa tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân vừa nâng cao hiệu quả kinh tế.”.

Mở rộng diện tích

Mặc dù thời gian qua, giá cao su bị giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của Công ty cao su Nam Giang, đến hiệu quả của cây cao su trong việc phát triển kinh tế địa phương, nhưng đến nay số hộ dân tham gia trồng cao su vẫn có thu nhập tương đối ổn định. Với 45ha cao su đầu tiên được cạo mủ khai thác trước thời hạn tại thôn Đồng Râm, theo thời giá hiện nay, thu nhập bình quân của một công nhân năm thứ nhất khai thác ở mức 1,2 triệu đồng/3ha/tháng, đến năm thứ năm khai thác có thể tăng lên 4,5 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ nhận khoán còn được nhận thu nhập thêm từ việc chăm sóc vườn cây, trồng xen các cây ngắn ngày dưới tán rừng. “Dù giá cao su giảm mạnh đã gây ra một số khó khăn cho doanh nghiệp và hộ nhận khoán, nhưng chúng tôi cam kết tạo thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho các hộ dân trong vùng dự án, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Những thành quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, dự án trồng cao su tại các huyện miền núi, trong đó có Nam Giang bước đầu là hướng đi đúng, giúp người nông dân thành công nhân có trình độ tay nghề và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, ông Trương Thu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Nam Giang nói.

Hiện Công ty Cao su Nam Giang có hơn 3.400 công nhân lao động, trong đó có 95% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số với thu nhập bình quân mỗi tháng gần 2,5 triệu đồng/người. Dự kiến sản lượng mủ quy khô đến cuối năm đạt 12,5 tấn, doanh thu đạt 400 triệu đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, Công ty Cao su Nam Giang sẽ tiếp tục nâng tổng diện tích khai thác lên 2.753ha, sản lượng dự kiến đạt 6.600 tấn và doanh thu trước thuế đạt 211 tỷ đồng. “Cây cao su là cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, nhất là ở miền núi. Việc triển khai trồng cao su trên địa bàn huyện với kết quả bước đầu rất khả quan đã tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu cây trồng và được xem cây chiến lược xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có chính sách vận động, hỗ trợ doanh nghiệp để nhân rộng diện tích, hướng tới giải quyết việc làm, đa dạng sinh kế, giúp người dân ổn định thu nhập tiến tới thoát nghèo”, ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư huyện ủy Nam Giang khẳng định.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,456 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 11 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com