Thiếu nước cục bộ
Thời điểm này, người dân vùng cao Phước Sơn đã xong mùa thu hoạch lúa rẫy, tổ chức ăn mừng lúa mới. Theo báo cáo từ Phòng NN&PTNT huyện, vụ đông xuân 2014 - 2015, nhìn chung tình hình sản xuất trên địa bàn huyện tương đối thuận lợi, một số hồ đập như hồ nước Zút (Phước Năng), Bà Xá (Phước Hiệp), hồ Mùa Thu (thị trấn Khâm Đức) cùng nhiều công trình đập dâng nhỏ cung ứng nước tương đối tốt phục vụ sản xuất. Chỉ một số diện tích nước trời, diện tích nằm quá xa chân đập thiếu nước, phải chuyển đổi sang trồng cây trồng cạn như bắp, đậu, rau màu. Vụ đông xuân, toàn huyện có khoảng 276ha lúa chủ động nước tưới bằng công trình thủy lợi, trong khi đó, diện tích sản xuất lúa được tưới không chủ động từ các đập bổi, ống dẫn nước do nhân dân tự làm và sử dụng nước trời chiếm hơn 203ha. Còn vụ hè thu 2014, do khô hạn nên toàn huyện chỉ tổ chức gieo sạ 40% diện tích của vụ đông xuân, tức gần 250ha. Trong số này, ngành nông nghiệp chỉ có thể chủ động được 60% nước tưới, còn những diện tích ở khá xa, cuối chân đập nước không tới được đành phụ thuộc vào nước trời. Vụ hè thu này, toàn huyện cũng tổ chức sản xuất hơn 500ha lúa rẫy. Cùng với đó, hơn 400ha rau màu, bắp, đậu không có công trình tưới chủ động.
|
Nguồn nước tưới chỉ đảm bảo cho cây lúa ở huyện Phước Sơn, còn nhiều diện tích cây rau màu phải trông chờ vào nước trời. Ảnh: B.LIÊN |
Ông Alăng Ngọc - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, áp lực từ nắng hạn ở Phước Sơn không cao do vụ hè thu thường có mưa dông. Tuy nhiên, hiện tình hình quản lý, vận hành đối với các hồ chứa, đập dâng nhỏ, hệ thống thủy lợi trên địa bàn kém hiệu quả, gây thất thoát nước tưới. Một vấn đề nữa là ý thức bảo vệ của chung chưa cao, một số nơi người dân tự ý đục đường ống thủy lợi, đục kênh dẫn nước bằng bê tông để dẫn nước vào ruộng, vườn của mình. Mỗi năm, huyện phải đầu tư hàng tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục tình trạng hư hại, xuống cấp của hệ thống tưới tiêu.
Cũng theo ông Ngọc, đến thời điểm này, nguồn nước vẫn đảm bảo cho sản xuất. Song trước thực trạng lượng mưa cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu có phần giảm so với mọi năm nên nguy cơ thiếu hụt nước tưới ở giữa và cuối vụ có thể xảy ra ở một số nơi. Hai hồ chứa Nước Zút và Bà Xá có công suất tưới cho 160ha, 32 công trình thủy lợi ở các xã có công suất tưới cho hơn 300ha, tuy nhiên hiện mực nước tại các hồ suy giảm do nắng hạn. Bên cạnh đó, nhiều công trình đập dâng nhỏ nằm rải rác lại không có khả năng tích trữ, điều tiết nước, không có người quản lý, vận hành. Các công trình đập dâng nhỏ của huyện được xây dựng đã khá lâu, hư hại, xuống cấp nhiều, hiện tượng rò rỉ, thất thoát nguồn nước vẫn diễn ra. Do nhiều công trình thủy lợi hoạt động thiếu bền vững nên sẽ có khoảng 70ha thuộc diện tích chủ động nước có nguy cơ thiếu nước. Còn ở loại hình tưới khác do nhân dân tự làm (đập bổi, ống nước tự bắt) thuộc các diện tích nhỏ lẻ nằm gần khe, suối nhỏ thì có khoảng 60ha sẽ khó khăn về nguồn nước.
Tích cực chống hạn
Vụ hè thu năm nay, Phước Sơn đã hỗ trợ kinh phí làm 150 rọ đá, mua 3.000m ống nhựa cấp cho các địa phương, đồng thời tổ chức nạo vét 300m3 đất đá và sửa chữa, nâng cấp 200m kênh bê tông phục vụ chống hạn. UBND các xã/ thị trấn được chỉ đạo dùng nguồn kinh phí cấp bù miễn thu thủy lợi phí năm 2014 đã cấp để sửa chữa công trình hư hỏng tại địa phương mình cũng như tổ chức vận động nhân dân tham gia nạo vét, khơi thông kênh mương, hồ đập, đắp đập bổi để cải thiện nguồn nước sản xuất. |
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn, trước tình trạng hoạt động thiếu bền vững của nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn, vụ đông xuân 2014 - 2015 và vụ hè thu 2015, Phòng NN&PTNT huyện đã kiến nghị huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí phục vụ chống hạn bằng biện pháp công trình. Từ nguồn này, phòng đã tổ chức hỗ trợ ống nước, rọ thép để nhân dân tự sửa chữa, khắc phục, gia cố và thay thế các đập tạm, ống nước đã hư hỏng và làm mới các đập thời vụ khác nhằm tận dụng nguồn nước từ các khe suối nhỏ, lấy nước bổ sung phục vụ tưới cho các chân ruộng có khả năng bị khô hạn. Phòng cũng đã tiến hành sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, gia cố sửa chữa đập dâng, cống lấy nước, kênh bê tông và đường ống dẫn nước, hạn chế thấp nhất rò rỉ mất nước… Phòng NN&PTNT huyện còn còn hỗ trợ ống dây đến các xã từ nguồn của Chương trình 135, 30a giúp bà con chủ động nước tưới, phân cấp về các xã; đề nghị các xã rà soát những khu vực thiếu nước, mua ống dây kéo về đảm bảo nước tưới, trung bình mỗi năm có khoảng 10.000m dây đường ống dẫn nước được cấp về các địa phương.
Ngoài chống hạn bằng biện pháp công trình, huyện Phước Sơn cũng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một số chân ruộng không chủ động nước tưới. Ông Lê Đức Hiệu, Trạm phó trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện cho hay, những năm trước, đến vụ hè thu có rất nhiều diện tích phải bỏ hoang nhưng nay Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện đã vận động bà con một số địa phương như Phước Xuân, Phước Đức, Phước Năng chuyển sang trồng bắp, rau màu, đậu xanh nhằm đảm bảo lương thực và đời sống. Để bà con học tập, làm theo, trạm đã triển khai một số mô hình trồng bắp, đậu, chuyển giao khoa học kỹ thuật từng bước đến người dân theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Tiếp nối thành quả từ vụ đông xuân với năng suất mô hình trồng bắp lai đạt 70 tạ/ha, vụ hè thu này, nhiều diện tích được khuyến khích tiếp tục trồng xen lúa rẫy. Ở những chân ruộng mới khai hoang đưa vào sản xuất như khu Xà Mo (Phước Công), do đất mới nên vụ hè thu này vẫn tổ chức trồng bắp. Ngoài ra, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện còn phối hợp với Ban Quản lý dự án phát triển vùng huyện Phước Sơn tiếp tục triển khai mô hình trồng lúa cải tiến (SRI) trên một số diện tích tại thị trấn Khâm Đức, giúp giảm chi phí đầu vào, giảm nước tưới, tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích...