hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
HỢP TÁC XÃ ĐIỆN PHƯỚC 1: Đi đầu trong sản xuất lúa giống (02/06/2015)
Đứng chân trên địa bàn xã Điện Phước (huyện Điện Bàn), trong những năm qua, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất - Kinh doanh tổng hợp (HTX DVSX-KDTH) Điện Phước 1 đã tích cực đổi mới, phát triển, làm tốt dịch vụ sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả cao, tạo sự gắn kết bền chặt giữa HTX và các hộ thành viên.

 Những nỗ lực

Điện Phước là xã thuần nông chủ yếu độc canh cây lúa, với diện tích đất sản xuất mỗi vụ 300 ha. Trước đây thành viên HTX chủ yếu sản xuất lúa lương thực theo hướng manh mún và tự phát, sản phẩm làm ra thường bị tư thương ép giá khi vào vụ thu hoạch. Nhằm giải quyết những khó khăn này, trong hơn 10 năm trở lại đây, HTX đã tiến hành liên doanh, liên kết với các công ty giống cây trồng trong và ngoài tỉnh để tổ chức sản xuất, chế biến và cung ứng lúa giống ra thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và đưa HTX phát triển ngày càng lớn mạnh.
 
Để làm tốt dịch vụ sản xuất lúa giống, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua, HTX đã từng bước đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, sân phơi và máy móc thiết bị phục vụ cho việc phơi, chế biến lúa giống. Đến nay, HTX đã xây dựng được trên 4.000 m2 sân phơi, 1.500 m2 nhà xưởng, trang bị 04 lò sấy với công suất 40 tấn/ngày, 02 máy sơ chế và 01 hệ thống băng tải cùng một số máy móc thiết bị, dụng cụ hỗ trợ khác phục vụ cho việc chế biến giống. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và để quy hoạch vùng sản xuất giống được đảm bảo, quy mô hơn, từ năm 2011 đến nay, được sự đồng thuận của nhân dân, sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn và đã tổ chức đồn điền đổi thửa được 3/5 thôn trên địa bàn, đồng thời xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 65 ha tại thôn La Hòa. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng ngày càng được hoàn thiện, tỷ lệ bê tông kênh mương và giao thông nội đồng đạt từ 70-80 %, góp phần phục vụ đắc lực cho việc sản xuất lúa giống của thành viên HTX.
 
Với mục tiêu sản xuất 1.300 - 1.500 tấn lúa giống mỗi năm đảm bảo chất lượng và hiệu quả, HTX xác định công tác quản lý, điều hành sản xuất có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, HTX đã đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và năng lực chuyên môn về kỹ thuật trồng trọt để thực hiện nhiệm vụ. Khi tham gia sản xuất lúa giống, thành viên phải tuân thủ các quy định về quy trình sản xuất nhất định. HTX cũng đã thực hiện nhiều chủ trương nhằm hỗ trợ và thu hút thành viên yên tâm tham gia sản xuất giống. Cụ thể: Trong sản xuất, HTX cử cán bộ thường xuyên bám đồng để hướng dẫn và chỉ đạo việc gieo trồng, chăm sóc trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Đồng thời, để giảm gánh nặng đầu tư ban đầu cho thành viên, ngay từ đầu vụ HTX đã cung ứng trước cho thành viên các loại vật tư nông nghiệp như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... và thu hồi vào cuối vụ, giá trị vật tư tương ứng bình quân mỗi năm từ 2,5 đến 2,8 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, khi thực hiện việc ký kết hợp đồng sản xuất với thành viên, HTX cam kết trách nhiệm thu mua hết lượng lúa giống do thành viên sản xuất theo giá lương thực quy đổi tại thời điểm thu mua. Trong trường hợp không thể thu mua hết số lượng, HTX sẽ bù khoản chênh lệch giữa giá giống với lúa thương phẩm cho thành viên. Thực tế trong năm 2012, do được mùa, sản lượng lúa giống làm ra quá lớn dẫn đến cung lớn hơn cầu và các công ty giống buộc phải hạn chế số lượng thu mua dẫn đến tình trạng tồn đọng số lượng lúa giống khá lớn trong thành viên. Để tạo sự công bằng trong việc thực hiện hợp đồng sản xuất và đảm bảo lợi ích cho thành viên tham gia sản xuất lúa giống, HTX đã bù khoản lợi chênh lệch giữa sản xuất lúa giống với sản xuất lúa thương phẩm cho thành viên là 1.000 đồng/kg x 300 kg/sào 500m2. Như vậy, với diện tích còn lại không thể thu mua là 15 ha, trong năm 2012 HTX đã phải bù cho thành viên với số tiền 75 triệu đồng. Việc làm này đã tạo được niềm tin của thành viên đối với HTX và các thành viên sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của HTX trong sản xuất lúa giống. Trong tổ chức sản xuất lúa giống, khâu quản lý, chỉ đạo và hỗ trợ thành viên thực hiện một cách đồng bộ, từ việc bố trí diện tích sản xuất, đến dịch vụ làm đất, thủy lợi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, thu mua giống tươi, cho đến khi chế biến, đóng gói... có vai trò quyết định, điều này HTX đã làm rất tốt.
 
Hiệu quả kinh tế
 
So với sản xuất lúa thương phẩm, việc sản xuất lúa giống đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và góp phần nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Sau khi trừ các khoản chi phí, HTX lãi bình quân từ 250 đến 300 đồng/kg và với lượng giống sản xuất hằng năm từ 1.300 đến 1.500 tấn/năm thì việc sản xuất lúa giống đã mang lại cho HTX khoản lợi nhuận từ 350 đến 400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại cho thành viên tham gia sản xuất lúa giống là lớn hơn cả. Cứ 1kg lúa giống, người nông dân được hưởng khoản chênh lệch từ 800 đến 1.000 đồng/kg so với lúa thương phẩm cùng loại. Tính bình quân mức lợi ích tăng thêm cho thành viên hằng năm từ 1-1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn giống tốt và chế độ thâm canh hợp lý đã làm năng suất lúa giống cao hơn lúa thương phẩm từ 10-15%. Trong sản xuất, chế biến giống lúa, HTX đã phối hợp với thành viên sử dụng các loại máy móc thiết bị, hạn chế sử dụng sức lao động nên tiết kiệm được chi phí, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
 
Định hướng đối với dịch vụ sản xuất giống lúa trong tương lai
 
Mặc dù hiệu quả mang lại trong sản xuất lúa giống khá cao, tuy nhiên việc sản xuất lúa giống của HTX vẫn còn nằm ở mức độ gia công cho các công ty giống, do vậy lợi nhuận cao nhất vẫn thuộc về các công ty. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế mang lại cho thành viên và HTX, ngoài việc tiếp tục mở rộng đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ công tác chế biến, quy hoạch mở rộng vùng sản xuất giống, đòi hỏi HTX phải từng bước chuyển từ gia công sang xây dựng thương hiệu và trực tiếp cung ứng lúa giống ra thị trường. Điển hình như vụ Hè thu 2014, HTX đã hợp tác liên doanh, liên kết sản xuất giống với Liên hiệp Quảng Nam để xây dựng thương hiệu và trực tiếp cung ứng lúa giống ra thị trường, đạt lợi nhuận khá cao.
 
Để hướng đi này thành công trong tương lai, đối với HTX, sự quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ của các cấp các ngành chức năng của tỉnh có những cơ chế chính sách ưu đãi thiết thực; đồng thời sự nhập cuộc của các ngành chức năng trong việc quản lý chặt chẽ các công ty giống ngoài tỉnh liên kết sản xuất, thu mua lúa giống, tránh việc ép giá nông dân là hết sức cần thiết.

TH(Theo http://lmhtxqnam.org.vn/)

Lượt xem:  2,053 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 24 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com