hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xây dựng NTM: Nút thắt ở môi trường nông thôn (21/05/2015)
Một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành xây dựng Nông thôn mới (NTM) là sự cải tạo môi trường, xanh, trong, sạch đẹp. Tuy nhiên, tiêu chí này thuộc diện khó đạt nhất ở nông thôn, ngay cả những vùng quê thuộc địa bàn Thủ đô Hà Nội.

 Nhiều nút thắt

Trong chặng đường cán đích 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện nay nhiều địa phương đang gặp khó khăn về tiêu chí môi trường. Dù ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên, phong trào vệ sinh đường làng ngõ xóm được phát triển rộng rãi ở nhiều nơi, song nút thắt lại nằm ở chỗ hệ thống bãi chứa, xử lý rác thải, nước thải ở không ít nơi còn thiếu thốn, chưa đồng bộ.
Đến xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là một trong ít xã điểm xây dựng NTM của TP Hà Nội về đích khá chậm khi đến nay vẫn chưa cán đích thành công. Trong số 3 tiêu chí chưa đạt chuẩn của xã có tiêu chí môi trường, theo đánh giá mới đạt 5,5/10 điểm.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết, các thôn, xóm đã triển khai quét dọn vệ sinh môi trường vào thứ 6 hàng tuần, rác thải được chôn lấp tập trung tại hai điểm được quy hoạch đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, theo đề án xã được quy hoạch trạm xử lý nước thải làng nghề và trạm cấp nước sạch tập trung nhưng đến nay chưa hoàn thành nên xã vẫn chưa đạt chuẩn NTM.
Đây cũng là tình trạng của nhiều xã trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội, chất thải vẫn chưa được thu gom và xử lý theo quy định. Trong khi đó tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh mới đạt 78%. Ông Phạm Đình Phùng - Chủ tịch UBND xã Bình Minh than thở, việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn xã còn rất nhiều bất cập. Người dân còn phơi lông gà, lông vịt trên các tuyến đường liên thôn, liên xã gây mất mỹ quan môi trường.
Hơn nữa, nước thải từ các hộ giết mổ gia cầm gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 huyện Thanh Oai, toàn huyện mới có 4/21 xã tiêu chí về môi trường, còn lại 17 xã chưa đạt (chiếm 81%).
Hoàn thành tiêu chí môi trường tại các xã thuần nông đã khó, tại các địa phương có làng nghề vấn đề này càng nan giải hơn nhiều.
Đơn cử huyện Thường Tín hiện có 126 làng nghề, 11 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với 84 DN, 415 hộ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động, song một số dự án thành phần trong đề án như xây dựng cụm tiểu thủ công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải tại làng nghề, cụm công nghiệp còn chậm.
Hay việc xử lý môi trường tại huyện Hoài Đức cũng khá khó khăn khi địa phương có tới 6 cụm công nghiệp, 51 làng nghề...
Một số hộ sản xuất, DN trong các làng nghề chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất. Thêm vào đó, nhiều nghĩa trang Nhân dân nằm rải rác cạnh các thôn, xóm, không đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường...
 
Đồng bộ giải pháp “cứng” và “mềm”
 
Tuy khó khăn để cải tạo môi trường ở nông thôn nhưng việc này không hẳn là không thể làm được. Nhiều nơi đã cải thiện môi trường bằng nhiều biện pháp như thông qua các hội, đoàn thể để tuyên truyền vận động, tạo phong trào để toàn thôn, xóm hưởng ứng. Cùng với đó cũng nhiều địa phương quyết liệt trong việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng để địa phương mình có được môi trường sạch đẹp bền vững.
Là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc xây dựng làng quê NTM khang trang, sạch đẹp được các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Gia Lâm luôn quan tâm. Trong đó nổi bật là cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", phong trào "Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và Nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng".
Theo thống kê của Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm, đến nay các cấp Hội đã trên địa bàn huyện đã duy trì được gần 500 đoạn đường phụ nữ tự quản và tham gia trồng hàng ngàn cây xanh trên các tuyến đường. Tại huyện Phúc Thọ, năm 2014, Hội Phụ nữ huyện đã phát động 6 đợt tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông hệ thống cống rãnh, xóa các điểm tập kết rác thải trái phép. Hội Phụ nữ các xã, thị trấn còn duy trì 455 đoạn đường phụ nữ tự quản, tăng gần 100 đoạn đường so với năm 2013...
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết, hưởng ứng phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", Thành hội đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với các tiêu chí xây dựng NTM.
Đến nay, 100% huyện, thị xã và cơ sở hội vận động hội viên thực hiện xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" và đăng ký các công trình phần việc cụ thể. Nổi bật là vận động các Chi hội hỗ trợ ngày công làm đường giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, duy trì và nâng cao chất lượng các đoạn đường phụ nữ tự quản, đoạn đường nở hoa. Đến nay, Hội Phụ nữ tại 18 huyện, thị xã đã và đang quản lý hơn 6.500 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh – sạch – đẹp.
Căn cơ hơn, như tại huyện Hoài Đức đã xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó xác định rõ vị trí, diện tích của nghĩa trang, điểm trung chuyển rác thải, bãi đổ vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, huyện đã, đang triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp Lại Yên, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm điểm công nghiệp làng nghề Dương Liễu để tạo điều kiện cho các hộ có mặt bằng sản xuất, xử lý môi trường thuận lợi. Lãnh đạo huyện Hoài Đức đề nghị UBND TP và các sở ngành có liên quan tăng cường kiểm tra và tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp làng nghề đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp.
 

Theo Chinhphu.vn

Lượt xem:  958 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 129 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60 100
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com