hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Cách trở Quế Lâm (21/05/2015)
Rong ruổi qua những miền quê xa xôi, từ Cấm La đến Thạch Bích, Tứ Nhũ (xã Quế Lâm)… mới thấy hết được những khó khăn nơi mảnh đất tận cùng của Nông Sơn.

 

Trẻ em ngày 2 buổi đến trường với cảnh đò giang cách trở. Ảnh: PHONG VÂN
Trẻ em ngày 2 buổi đến trường với cảnh đò giang cách trở. Ảnh: PHONG VÂN

Mơ một cây cầu

Con đường từ trung tâm xã Quế Lâm qua thôn Tứ Nhũ trắc trở muôn phần. Để tới được bến đò Tứ Nhũ, chúng tôi phải vượt một chặng đường đất với những con đường nhỏ gồ ghề dốc lên dốc xuống men theo ngôi nhà nằm cheo leo giữa đất vắng. Từ ngày quê hương giải phóng đến nay hàng trăm hộ dân thôn Tứ Nhũ và các thôn lân cận trên địa bàn xã Quế Lâm phải chịu cảnh “qua sông lụy đò”. Trưởng thôn Tứ Nhũ Huỳnh Văn Phúc, cho hay, Tứ Nhũ là một trong 6 thôn của xã Quế Lâm và là thôn duy nhất còn bị cô lập, không đường, không cầu, bờ bắc của làng là sông Thu Bồn án ngữ, bờ nam bao phủ bởi những dải rừng bạt ngàn, đầu thôn là kẽm, cuối thôn là rừng cao su… Từ đây về trung tâm xã chỉ có duy nhất qua sông. Còn nếu muốn đi Hiệp Đức cũng bị chặn bởi kẽm, cũng phải nương theo đò giang.

Suốt 40 năm, dù trời yên bình hay dông gió, mưa bão, bao chuyến phà qua sông chở theo bao khát vọng đổi đời nơi làng quê nghèo. Tứ Nhũ có cụm trường thôn, song chỉ dành cho trẻ lớp mẫu giáo, còn trẻ em từ lớp 1 trở lên, ngày hai buổi tới trường đều phải vượt đò tìm chữ. Chị Tăng Thị Tâm, một người dân Tứ Nhũ tâm sự: “Dù đã quen sống cảnh cách trở sông nước, nhưng mỗi ngày để con mới 6 tuổi vượt hai cây số đến trường thấy xót quá, nhất là mùa mưa bão. Bà con nơi đây đều làm nông, đem buồng chuối, ang lúa ra sông bán cho thương lái hay chở về xuôi, giá đều rẻ mạt. Biết bao giờ mới có được cây cầu”.

Còn theo ông Phạm Văn Tiến (SN 1975), một chủ đò trên bến Tứ Nhũ, kể: “Tôi đưa đò nhiều năm ở bến này, thấy mấy cháu nhỏ mang ba lô cặp sách nặng ì phải đi bộ từ nhà ra bến sông, rồi qua đò để tới trường rất tội. Bến sông chưa được đầu tư bến bãi, không có mố cầu, toàn cát trắng, xe đạp, xe máy qua lại khó khăn. Không ít trường hợp đêm hôm có người đau ốm, phải chở đi cấp cứu, chỉ còn cách chở thẳng bằng đường sông gần 2 tiếng đồng hồ mới tới bệnh viện tại trung tâm huyện”. Trên bến sông này, chủ đò Phạm Văn Tiến cũng đã đưa nhiều trường hợp phụ nữ chuyển dạ ban đêm tới bệnh viện, dù đò giang cách trở, song nhiều trường hợp may mắn “mẹ tròn con vuông”. Nhiều chị em khi tới bệnh viện sinh ngay như trường hợp chị Lê Thị Hồng Mẫn. Cũng có trường hợp suýt “vượt cạn” trên ghe như chị Lê Thị Loan…

Khu tái định cư “2 không”

Nhiều năm qua, kể từ khi chuyển ra khu tái định cư Cấm La (xã Quế Lâm), hơn 25 hộ dân từ Nà Lau đối diện với hàng loạt khó khăn, thiếu thốn: không có công trình cấp nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất, sinh kế… “Từ năm 2003, khi dọn tới đây, mỗi hộ chỉ được cấp một mảnh đất vừa đủ dựng cái nhà nhỏ, được hỗ trợ 6 - 7 triệu đồng để làm nhà, song nhà nào nhà nấy sít sát nhau, không có được mảnh đất vườn để trồng rau, nuôi gà vì quá chật chội. Trước còn bám vào rừng, nhưng từ hôm tết tới nay, bị cấm vào rừng làm gỗ, chúng tôi chẳng biết làm gì để sống cả” - một người dân Cấm La cho biết.

Còn theo bà Phạm Thị Oanh, gia đình tính mua bò cải thiện sinh kế nhưng rốt cuộc không có chỗ chăn thả, vào rừng thì bị cấm, để trong thôn không xong. Trẻ em ở khu tái định cư Cấm La đi học ở trường thôn, vì địa bàn đi lại khó khăn nên các cháu ở nhiều độ tuổi phải học lớp ghép, lại chỉ có một thầy/cô phụ trách nên việc dạy và học không đảm bảo, cơ sở vật chất và trường lớp còn thiếu thốn.

Tuổi già, bà Tô Thị Tiến (72 tuổi) vẫn canh cánh nỗi lo về chuyện mưu sinh của một gia đình nghèo. Con trai, con dâu bà cùng 3 đứa cháu nội tới nay vẫn chưa thể có điều kiện ở trong căn nhà đàng hoàng. Hai con bà quanh năm suốt tháng bám rừng bứt mây, gánh củi, làm thuê, 3 đứa cháu được bà trông giữ, gánh nặng càng chồng chất lên vai đôi vợ chồng nghèo. “Tuổi cao, chẳng biết làm gì, chẳng ai thuê. Chỉ mong có được miếng đất làm ăn, sinh sống qua ngày” - bà Tiến trăn trở.

Chủ tịch UBND xã Quế Lâm Trần Văn Sang cho hay, là xã đặc biệt khó khăn nên rất mong bà con chia sẻ khó khăn này. Hễ có nguồn hỗ trợ nào, xã cũng đều ưu tiên cho 12 hộ nghèo ở khu tái định cư. Ngoài ra, xã đã làm dự án chăn nuôi, sắp tới sẽ mua con giống hỗ trợ bà con để giải quyết sinh kế tạm thời và vài năm nữa, khi cây cao su tới thời kỳ thu hoạch, một số hộ sẽ được nhận vào nông trường làm việc. “Vấn đề đất sản xuất, đã có quyết định cho phép chuyển đổi đất rừng liền kề khu vực trồng cao su, vốn là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trước đó sang kiểu rừng sản xuất. Chúng tôi sẽ khảo sát nhu cầu và cân đối quỹ đất thực tế để cấp cho từng hộ theo hình thức bốc thăm, ai trúng lô nào thì phải sản xuất lô đó. Những hộ được cấp đất sẽ được cấp bìa đỏ 50 năm” - ông Sang cho hay.

TRẦN BÍCH LIÊN

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  770 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 129 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60 100
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com