Theo ông Trần Ngọc Bằng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, nhiệm vụ đặt ra cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương hết sức nặng nề. Để đảm bảo được một nền nông nghiệp ổn định, kinh tế cao cần phải tập trung nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản trong nông nghiệp, nâng cao giá trị chăn nuôi trong nội bộ ngành; đẩy mạnh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích… Từ định hướng này, thời gian qua địa phương đã triển khai những chính sách cụ thể, có hiệu quả, tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều chuyển biến rõ rệt, tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 5,5%. Năng suất lúa bình quân từ 55,34 tạ/ha (năm 2010) lên 59,54 tạ/ha (năm 2014), cao nhất so với các huyện phía nam của tỉnh. Bên cạnh những cánh đồng thu nhập cao, cánh đồng mẫu lớn, huyện Phú Ninh đã triển khai các vùng sản xuất rau chuyên canh theo hướng an toàn tại các xã Tam An, Tam Đàn…, bước đầu đem lại hiệu quả. Giá trị bình quân trên đơn vị diện tích canh tác cây hằng năm 58,2 triệu đồng/ha, tăng 13,2 triệu/ha so với năm 2010. Tổng diện tích cánh đồng có thu nhập cao, ổn định trong các năm đạt gần 1.000ha, phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 1.250ha. Những năm qua địa phương đã chuyển đổi hàng trăm héc ta đất lúa sang trồng các loại cây trồng cạn như bắp lai, đậu phụng, dưa hấu… đạt hiệu quả kinh tế cao.
|
Cơ giới hóa trên đồng ruộng Phú Ninh. |
Phú Ninh được xem là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đây chính là tiền đề để tạo một cú hích trong nông nghiệp nông thôn. Ngoài 3 xã Tam Phước, Tam An, Tam Thành hoàn thành xã nông thôn mới, năm 2015 huyện phấn đấu hoàn thành thêm 4 xã (Tam Vinh, Tam Dân, Tam Thái, Tam Đàn) đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đến năm 2018 phấn đấu hoàn thành 3 xã nông thôn mới (Tam Đại, Tam Lãnh, Tam Lộc)... “Huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với bà con nông dân gắn với công tác đào tạo nghề lao động nông thôn. Với những kiến thức đã học được, người dân đã áp dụng vào sản xuất, hạn chế dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi và bảo vệ môi trường trong sản xuất” - ông Đặng Bá Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết.
Cũng theo ông Dự, thời gian qua Phú Ninh cũng đã tranh thủ sự đầu tư của tỉnh, trung ương và lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau để xây mới và nâng cấp, mở rộng 17 công trình thủy lợi nhỏ, 14 công trình thủy lợi hóa đất màu, phục vụ nước tưới ổn định cho hơn 650ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, với tổng mức đầu tư hơn 19,5 tỷ đồng. Đồng thời kiên cố hóa 33,7km kênh loại II, 90,2km kênh mương loại III, phục vụ nước tưới ổn định cho hơn 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp, tổng mức đầu tư hơn 95 tỷ đồng. Ông Dự cho biết thêm: “Ngoài những yếu tố như giống, kỹ thuật… thì đảm bảo nước tưới là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Phú Ninh có lợi thế về nguồn nước từ hồ Phú Ninh, việc đảm bảo kênh mương nội đồng đã giúp cho nông dân yên tâm sản xuất…”.