hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
HTX Duy Trinh: Phát huy vai trò “bà đỡ” (01/12/2014)
Đó là phương châm của chị Nguyễn Thị Thoại - nữ Giám đốc HTX Dệt may Duy Trinh. Chị Thoại cho biết: “Trong những năm gần đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm vải biến động thất thường, áp lực cạnh tranh gay gắt về giá; phân khúc thị trường vải KT có xu hướng giảm dần. Thu nhập thấp, thời gian lao động dài nên lao động trẻ không mặn mà với sản xuất vải, hộ thành viên đang có xu hướng thu hẹp sản xuất, chuyển đổi ngành nghề. Để duy trì và phát triển HTX trong điều kiện này không còn cách nào khác là HTX phải hỗ trợ thành viên…”

 Hỗ trợ thành viên để phát triển HTX 

Ra đời từ năm 1976, HTX Dệt may Duy Trinh (Duy Xuyên) không chỉ là đơn vị làm kinh tế mà còn gắn với trách nhiệm khôi phục và bảo tồn ngành nghề truyền thống của địa phương. Sau 38 năm xây dựng và trưởng thành, HTX Dệt may Duy Trinh đã trải qua không ít khó khăn trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh để vươn lên phát triển ổn định. Hiện nay, HTX Dệt may Duy Trinh có 100 thành viên với 150 lao động, trong đó có lao động sản xuất tập trung tại trụ sở HTX và lao động sản xuất phân tán tại gia.
 
Trong những năm qua, nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường tiêu thụ sản phẩm vải bị cạnh tranh gay gắt, nhiều cơ sở dệt trong tỉnh đã không giữ được nghề. Trước tình trạng đó, Ban quản trị HTX Dệt may Duy Trinh quyết tâm đổi mới để phát triển HTX, giữ được nghề truyền thống của cha ông. Khai thác tốt tiềm lực nội bộ, chủ động nắm bắt cơ hội bên ngoài để có những giải pháp từng bước khắc phục khó khăn. Coi nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế thành viên là con đường duy nhất để HTX tiếp tục duy trì và phát triển. Chị Thoại chia sẻ:“Thị trường ngày càng khó tính, yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, trong khi đó, máy dệt của các hộ thành viên đã cũ, xuống cấp trầm trọng không có chi phí đầu tư sửa chữa hoặc mua mới nên năng suất lao động thấp dẫn đến thu nhập thấp; lao động có xu hướng bỏ nghề đi làm tại các công ty nước ngoài, thành viên HTX đang thu hẹp dần. BQT đã họp thống nhất vay vốn đầu tư máy dệt cho thành viên để giúp thành viên ở lại với nghề và ở lại với HTX”.
 
Tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam, HTX Dệt may Duy Trinh đã đầu tư 64 máy dệt mới có chất lượng tốt giúp thành viên thay thế máy móc xuống cấp và đồng bộ hóa chủng loại máy dệt trong toàn HTX, sửa chữa nhà xưởng với tổng kinh phí lên tới 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn thực hiện tốt hơn khâu cung ứng nguyên liệu, vật tư phụ tùng thay thế thiết bị dệt, mua sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật cho hộ thành viên; tìm kiếm các thị trường mới để đảm bảo đầu ra sản phẩm cho hộ thành viên.
 
Một thành viên HTX tâm sự: “Đã có lúc tưởng chừng như phải bỏ nghề, vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm, mua nguyên liệu giá đắt mà bán sản phẩm thì giá lại thấp. Máy dệt đã xuống cấp nên năng suất và chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu. Nhờ có sự hỗ trợ từ phía HTX Duy Trinh trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đầu tư máy dệt mới cho thành viên nên năng suất dệt cao hơn, thu nhập tăng lên nên bà con rất vui mừng, không có ý định chuyển nghề khác nữa” .
         
Hướng đi    
 
Để tiếp tục giúp bà con ổn định sản xuất, trụ vững và phát triển nghề truyền thống, Ban quản trị HTX Dệt may Duy Trinh đã xây dựng chiến lược phát triển ngành nghề, tập trung vào hướng sản xuất kinh doanh mang tính chuyên môn hóa cao. Chị Thoại chia sẻ: Ban quản trị HTX đã đề ra một số giải pháp sau: Phải coi trong chữ Tín trong mọi lĩnh vực hoạt động, phải có bước đột phá trong khâu tiêu thụ sản phẩm để giữ được thị phần đã có, quản lý công nợ chặt chẽ, hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, đủ năng lực lãnh đạo điều hành mọi hoạt động của HTX. Tiếp tục cải tiến công tác tự quản, đổi mới quản lý sản xuất và cung ứng dịch vụ cho hộ thành viên, nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hoá trong từng cá nhân, từng bộ phận, từng phân xưởng, phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX. Thực hành tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới để tăng khả năng cạnh tranh để giữ và mở rộng thị phần tiêu thụ. Tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp về cơ chế chính sách phát triển kinh tế HTX để tăng cường sự hỗ trợ cho thành viên HTX.
 
Đến nay, HTX Dệt may Duy Trinh là một trong số những HTX dẫn đầu của tỉnh Quảng Nam về hoạt động sản xuất kinh doanh và quan tâm đến công tác an sinh xã hội; đặc biệt là quan tâm đến đời sống thành viên. Hàng năm, ngoài các hoạt động thăm hỏi thành viên như ốm đau, ma chay, hiếu hỉ, mỗi dịp Tết Nguyên đán HTX đều tổ chức tặng quà nhằm động viên, khuyến khích tinh thần cho thành viên và người lao động của HTX. HTX tích cực tham gia đóng góp các khoản hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng công trình phúc lợi xã hội. HTX Dệt may Duy Trinh đã thực hiện rất tốt vai trò là đơn vị kinh tế tập thể góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.
 

Trần Hiền Liên minh HTX Việt Nam tại Quảng Nam

Lượt xem:  2,378 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 8 1 2 3 4 5 6 7 8
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com