hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Nỗ lực nâng cao năng suất lúa (22/01/2015)
Những năm qua, bên cạnh việc tập trung hỗ trợ xây dựng hàng loạt cánh đồng mẫu lớn ở vùng đồng bằng, đội ngũ khuyến nông các cấp cũng tích cực chuyển giao quy trình sản xuất mới cho đồng bào miền núi nhằm nâng cao năng suất lúa, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.

 

Một cánh đồng mẫu lớn ở Quảng Nam.Ảnh: MAI LINH
Một cánh đồng mẫu lớn ở Quảng Nam.Ảnh: MAI LINH

Hiệu quả từ cánh đồng mẫu

Nhìn đồng lúa rộng mênh mông, trải dài màu xanh tít tắp, ông Phan Văn Tuấn ở thôn Tú Ngọc B (xã Bình Tú, huyện Thăng Bình) hồ hởi: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng, hồi trước số diện tích này nằm rải rác trên 2 cánh đồng nên khâu làm đất, xuống giống, phun thuốc, bón phân, thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Cách đây vài năm, thực hiện chủ trương của cấp trên, chính quyền và nhân dân địa phương đồng loạt tiến hành công tác dồn điền đổi thửa. Từ khi 5 sào đất lúa của tôi dồn lại thành một thửa lớn, việc sản xuất đã thuận lợi hơn rất nhiều”. Theo ông Tuấn, những vụ gần đây nhờ ứng dụng hiệu quả gói kỹ thuật canh tác mới trên cánh đồng mẫu lớn này nên vụ nào nông dân cũng bội thu. Nếu năm 2010, năng suất lúa bình quân toàn vùng chỉ đạt 57 - 59 tạ/ha thì nay đã tăng lên 65 - 67 tạ/ha.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác khuyến nông giai đoạn 2010 - 2014, ông Võ Văn Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư tỉnh cho biết, trong vòng 5 năm qua đơn vị đã tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất tiên tiến cho hơn 1.500 hộ dân và xây dựng trình diễn 29 mô hình cánh đồng mẫu lớn ở nhiều địa phương thuộc khu vực đồng bằng. Những mô hình trình diễn này thực hiện đồng bộ các khâu kỹ thuật, gồm sử dụng cùng loại giống tốt trên một cánh đồng, gieo sạ tập trung, đúng lịch thời vụ. Ngoài ra, từ khâu cày lồng, xuống giống đến thu hoạch đều được cơ giới hóa. Thực tế cho thấy, hầu hết năng suất lúa trên các cánh đồng mẫu đều đạt bình quân 65 - 70 tạ/ha, tăng hơn so với sản xuất đại trà 20 - 30%, nếu tính ra giá trị thì mức lãi ròng của mô hình trình diễn tăng 5 - 7 triệu đồng/ha/vụ. Ông Nghi nói: “Từ mô hình trình diễn lần đầu tiên vào năm 2011 với diện tích 90ha tại xã Điện Thọ (Điện Bàn), đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 131 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 4.955ha. Với số diện tích đó, hằng năm thu nhập tăng thêm của nhà nông từ các cánh đồng mẫu lớn là không dưới 30 tỷ đồng. Đây là chương trình hết sức thiết thực, cần được tiếp tục mở rộng nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, qua đó hướng đến sản xuất hàng hóa và bền vững, có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp”.

Đảm bảo an ninh lương thực

Ông Phan Văn Nghị - Trưởng trạm Khuyến nông & khuyến lâm huyện Hiệp Đức cho biết, ngoài việc tập trung chuyển giao kỹ thuật thâm canh lúa nước, thời gian qua đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân xã miền núi Sông Trà sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý cây xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp để làm phân hữu cơ bón cho cây lúa. Ông Hồ Văn Do ở thôn 4 (xã Sông Trà) cho biết, nhờ được cán bộ khuyến nông tận tình chỉ dẫn nên những vụ gần đây ông thường tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như các loại nhành lá cây, bột cưa, rơm rạ… băm nhỏ rồi dùng chế phẩm vi sinh ủ thành phân hữu cơ hoai mục vãi cho ruộng. Ông Do nói: “Hồi trước, mỗi vụ tôi chỉ thu được 150 - 160kg lúa khô/sào, nay nhờ bón loại phân này nên năng suất lúa đã tăng lên 200 - 220kg/sào”. Không chỉ ông Do, rất nhiều hộ dân khác (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) ở xã Sông Trà cũng hết sức phấn khởi trước hiệu quả của mô hình bón phân hữu cơ vi sinh. Ông Nghị thông tin thêm, lúc chưa thực hiện mô hình này năng suất lúa bình quân trên toàn xã Sông Trà chỉ đạt chừng 35 tạ/ha, còn từ năm 2011 đến giờ thì luôn dao động ở mức 40 - 42 tạ/ha. “Tôi nhận thấy rằng, bón phân hữu cơ vi sinh là mô hình mang lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa ở khu vực miền núi. Bởi, mô hình này đã giúp nông dân tận dụng nguồn cây xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ để làm phân hữu cơ bón ruộng, qua đó cải tạo được những chân đất bị chua phèn, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị nhiễm các loại sâu bệnh nguy hiểm” - ông Nghị chia sẻ.

Ông Võ Văn Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư tỉnh cho hay, ngoài Hiệp Đức, 5 năm qua đơn vị đã phối hợp với ngành nông nghiệp các huyện miền núi khác xây dựng rất nhiều mô hình trình diễn làm phân hữu cơ vi sinh để phục vụ thâm canh lúa nước. Kết quả cho thấy, hầu hết ruộng lúa thực hiện mô hình đều đạt năng suất 45 - 50 tạ/ha, một số nơi đầu tư thâm canh tốt thì đạt 55 - 65 tạ/ha. Trong khi đó, những chân ruộng sản xuất đại trà chỉ đạt 20 - 25 tạ/ha. Ông Nghi đánh giá: “Ý nghĩa tích cực của mô hình này đem lại không chỉ là tăng năng suất, sản lượng, ổn định nguồn lương thực tại chỗ mà còn giúp nông dân vùng khó khăn giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Đặc biệt, thông qua mô hình giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hạn chế việc phá rừng, đốt nương làm rẫy, bảo vệ môi trường sinh thái… Đây cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả”.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,107 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 87 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com