|
Quế Sơn tổ chức thực hành nấu ăn dinh dưỡng cho các bà mẹ để chăm sóc tốt hơn cho trẻ. Ảnh: D.T |
Hiệu quả từ các mô hình
Để tận dụng hiệu quả các dự án phi chính phủ hỗ trợ chăm sóc trẻ em, UBND huyện phân công các đơn vị liên quan như hội LHPN, phòng GD&ĐT đảm nhiệm tổ chức các mô hình phù hợp mang lại lợi ích trực tiếp cho trẻ em. Bà Võ Thị Hồng Hải - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quế Sơn cho biết, năm 2013 từ sự tài trợ của dự án VVOB về giáo dục nuôi dạy trẻ tại 3 xã Quế Thuận, Quế Phú và Phú Thọ, Hội LHPN huyện đã xây dựng và phát triển 6 câu lạc bộ (CLB) “Cha mẹ nuôi con tốt” và “Phụ nữ không sinh con thứ 3”. Đến nay, hơn 200 người tham gia vào các CLB, mở 5 lớp tập huấn cho ban chủ nhiệm. Mỗi CLB có từ 3 đến 5 chị trong ban chủ nhiệm thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho các bà mẹ về giáo dục và chăm sóc trẻ em. “Hiện nay các CLB duy trì và hoạt động tốt, trang bị kiến thức cho bà mẹ về sức khỏe sinh sản, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Từ đó, làm nền để nhân rộng mô hình “không sinh con thứ 3” trên toàn huyện, đến nay đã với 309 tổ và gần 6 nghìn cặp vợ chồng đăng ký” - bà Võ Thị Hồng Hải, nói.
Từ tháng 8.2010 tổ chức CRS (Vương quốc Bỉ) thực hiện dự án tài trợ trẻ khuyết tật tại huyện Quế Sơn. Dự án này do Phòng GD&ĐT huyện đảm nhận, vốn tài trợ giai đoạn đầu gần 1,1 tỷ đồng, hỗ trợ 218 trẻ khuyết tật ở 6 xã là Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Thuận, Quế An, Quế Phong và thị trấn Đông Phú. Giai đoạn 2 từ tháng 6.2012 đến tháng 6.2013, dự án đổi tên thành “Nâng cao năng lực cho cha mẹ hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập” và tiếp tục tài trợ 250 triệu đồng. Số tiền trên được dùng hỗ trợ khám sàng lọc, cấp dụng cụ y tế như máy trợ thính, xe lăn, phẫu thuật cho trẻ, dạy kỹ năng sống, giúp trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng và hỗ trợ cho giáo viên đến dạy học tại nhà… Ông Nguyễn Hoàng Nga - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quế Sơn cho biết: “Chúng tôi có đội ngũ giáo viên cốt cán để thực hiện giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập, huy động các em ra lớp học. Những em không thể tới trường thì được dạy tại nhà về kiến thức văn hóa và kỹ năng sống. Từ đó trẻ được nâng cao sức khỏe, kỹ năng, đặc biệt có nhiều trẻ tiến bộ vượt bậc trong động cơ, thái độ, suy nghĩ”. Để công tác chăm sóc trẻ khuyết tật được tốt hơn, qua các phiên làm việc với tổ chức tài trợ, tháng 12.2013 huyện Quế Sơn thành lập Ban quản lý dự án “Hòa nhập xã hội cho người khuyết tật thông qua phát triển và tăng cường liên kết mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật”, tiếp tục mở rộng địa bàn tài trợ ở 5 xã mới là Quế Xuân 1, Quế Cường, Phú Thọ, Quế Minh và Quế Long để chăm sóc cho 150 trẻ. Từ đó, giúp cho nhiều trẻ khuyết tật được tiếp cận và hòa nhập cộng đồng. Qua đó, xuất hiện những điển hình vượt khó như em Trần Thanh Tuấn (Quế Phú), Đoàn Công Sang (Quế Xuân 2), Hồ Thị Cảnh Tiên (thị trấn Đông Phú) v.v.
Vì trẻ em nghèo
Quế Sơn hiện có trên 18 nghìn trẻ em với 701 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài sự hỗ trợ từ bên ngoài, huyện Quế Sơn tiếp tục kêu gọi các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn duy trì công tác nhận đỡ đầu trẻ em. Bà Phạm Thị Kiều Vân - Phó Trưởng phòng LĐ&TBXH huyện Quế Sơn cho biết, đến nay có 666 trẻ được nhận đỡ đầu, phong trào được các cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện đồng lòng. Theo đó, hằng tháng người nhận đỡ đầu sẽ hỗ trợ 100 nghìn đồng, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em. “Nhờ phong trào nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nên đời sống nhiều trẻ được đảm bảo. Quế Sơn xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em từ năm 1995, mỗi năm toàn huyện còn huy động từ người dân hơn 100 triệu đồng và khoảng 40 triệu đồng từ ngân sách huyện. Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực vận động công chức, viên chức đóng góp tiền lương để tạo ra nguồn quỹ giúp các em vượt khó” - bà Kiều Vân cho hay.
Chú trọng công tác tuyên truyền, huyện Quế Sơn đã thực hiện 2 điểm tư vấn trường học tại xã Quế Châu và Phòng LĐ-TB&XH. Bố trí cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và cộng tác viên chăm sóc trẻ em ở thôn, xã. Năm 2013, mở 8 điểm tư vấn tại trường học thu hút 240 trẻ tham gia, tổ chức 15 điểm truyền thông tư vấn cho 450 lượt người. Tính đến nay, toàn huyện có trên 10 nghìn người dân được tư vấn. Bên cạnh đó, Quế Sơn còn xây dựng mô hình nhóm trẻ nòng cốt, hoàn thành chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục THCS. Tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trao quà dịp Tết Nguyên đán như tặng 70 suất quà cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn trị giá 21 triệu đồng và trợ cấp khó khăn đột xuất 5 triệu đồng. Trích hơn 10 triệu đồng từ Quỹ bảo vệ trẻ em, trao 107 suất quà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 14 xã, thị trấn. Ngoài ra còn mở các lớp dạy nấu ăn dinh dưỡng, giải quyết kịp thời chính sách chế độ cho trẻ em. 100% trẻ thuộc diện hộ nghèo được giúp đỡ, miễn giảm học phí.