hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Mai một văn hóa vùng cao Hiệp Đức (18/11/2014)
Ba xã vùng núi Sông Trà, Phước Trà và Phước Gia (huyện Hiệp Đức) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Ca Dong và Mơ Nông với tổng số dân khoảng 4.000 người. Cùng với quá trình giao lưu tiếp xúc với người Kinh và các dân tộc di cư tự do khác, bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây đang ngày mai một.

 

Ngày hội văn hóa 3 xã vùng núi là một trong những dịp hiếm hoi sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hiệp Đức.
Ngày hội văn hóa 3 xã vùng núi là một trong những dịp hiếm hoi sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hiệp Đức.
 
 
Phai mờ bản sắc
 
Không như một số dân tộc thiểu số khác, người Ca Dong, Mơ Nông không có chữ viết; việc giao tiếp hằng ngày được đồng bào sử dụng thông qua ký tự tiếng Việt. Các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát… cũng thưa vắng dần. Để có trang phục thổ cẩm và trang sức, người dân phải mua lại từ các dân tộc khác trên địa bàn Phước Sơn và các huyện lân cận như Nam Giang, Đông Giang… Nhà làng của người Ca Dong, Mơ Nông ít được chú trọng, làm khá đơn giản và hiện chỉ có 2 nhà làng ở Phước Trà, một Phước Gia, một ở Sông Trà. Những nhà làng này chủ yếu do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng và hầu hết đều bị bê tông hoặc tôn hóa. Nếu như các nhà làng tại Khu ủy khu 5, xã Sông Trà và nhà làng tại khu lưu niệm khởi nghĩa làng Ông Tía (Phước Trà) do nhiều nguyên nhân khác nhau được làm bằng bê tông lợp tôn thì nhà làng truyền thống tại thôn 3, xã Phước Gia, dù vừa được tu bổ nâng cấp từ nguồn vốn hỗ trợ của UBND tỉnh và huyện cũng đã bị tôn hóa để đảm bảo độ bền. Cùng với đó, các sinh hoạt văn hóa truyền thống như múa cồng chiêng, ăn trâu huê…  ngày càng ít xuất hiện trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào.
 
Theo ông Lê Dần - Chủ tịch UBND xã Sông Trà, nguyên nhân khiến các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong, Mơ Nông bị phai nhạt chủ yếu do sự giao lưu giữa đồng bào với người Kinh và các dân tộc thiểu số khác. Trong 6 thôn của xã, chỉ 4 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tổng số khoảng 1.140 nhân khẩu, còn lại người Kinh có khoảng 1.190 nhân khẩu nên sự ảnh hưởng là rất lớn. Ông Dần cho rằng, dù đồng bào vẫn còn lưu giữ các lễ hội truyền thống của dân tộc mình nhưng do đời sống khó khăn nên rất ít khi diễn ra, nếu có cũng chỉ những gia đình khá giả tổ chức; riêng các lễ hội mang tính cộng đồng dường như không còn. Theo ông Hồ Văn Minh - Trưởng thôn 5 xã Sông Trà, dù vẫn biết các giá trị văn hóa dân tộc bị mai một nhưng khó có thể giữ gìn được do không có kinh phí. Ví như bây giờ muốn dạy lớp trẻ đánh cồng chiêng thì phải mua chiêng và cần nguồn kinh phí mở lớp. Tương tự, ở các xã Phước Trà, Phước Gia, việc bảo tồn các giá trị văn hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn khi người dân không còn quan tâm. Ngoài các giá trị văn hóa phi vật thể ít nhiều còn hiện diện trong đời sống tâm linh của đồng bào, các giá trị văn hóa vật thể dường như đang ngày càng mất đi vì không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại.
 
Loay hoay bảo tồn
 
Ông Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng Phòng VH-TT huyện Hiệp Đức thừa nhận, đến nay huyện vẫn chưa có một đề án cụ thể nào nhằm khôi phục và bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tại 3 xã  này. Ngoài các sự kiện mang tính định kỳ hàng năm như ngày hội văn hóa thể thao hay kỷ niệm ngày khởi nghĩa làng Ông Tía, hiện tại vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào mang tính lâu dài. “Dự kiến thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Quản lý di tích Khu ủy 5 xây dựng đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc tại xã Sông Trà nhằm phục hồi các giá trị văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống đồng bào nơi đây” - ông Hạnh nói.
 
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Dần cho rằng, vấn đề không chỉ là kinh phí hay các đề án, kế hoạch mà còn phụ thuộc vào sự hợp tác và trách nhiệm của người dân đối với văn hóa của chính dân tộc mình. Ông Dần dẫn chứng: “Năm 2003, tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ mỗi thôn một bộ chiêng trống nhưng đến nay chỉ còn một thôn còn trống, các thôn khác trống đã bị hư nhưng cũng không sắm sửa lại”. Cũng theo ông Dần, xã đang xây dựng kế hoạch phục hồi lại một số nghề truyền thống như đan lát, làm rượu cần… để vừa phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới vừa có thể phục vụ du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay còn ở việc các thế hệ nghệ nhân cao tuổi không còn nhiều, lớp trẻ lại không hứng thú với những công việc này. Ông Nguyễn Quốc Danh - Chủ tịch UBND xã Phước Gia cũng nhìn nhận rằng rất khó phục hồi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhất là văn hóa vật thể. Bởi, ngoài việc không phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện nay, các nguyên vật liệu cũng đang ngày càng khan hiếm.
 
 Mỗi dân tộc được định hình bằng một bản sắc văn hóa riêng, điều đó còn có ý nghĩa hơn trong giai đoạn hiện nay, khi mà sự giao thoa với các giá trị văn hóa khác ngày càng nhiều. Vì vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ngành mà còn cần lòng tự hào và ý thức của chính đồng bào. Và chỉ có như thế, việc bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số mới mang tính bền vững.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,618 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 19 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com