hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Thăng Bình phát triển kinh tế rừng (19/09/2014)
Hai đối tượng chủ lực trong phát triển kinh tế rừng trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian qua là cây keo lai và cao su. Địa phương đang tạo điều kiện để phát triển mạnh 2 loại cây trồng chủ lực này.

 

Anh Nguyễn Viết Cường bên rừng cao su tiểu điền của gia đình. Ảnh: N.Q.V
Anh Nguyễn Viết Cường bên rừng cao su tiểu điền của gia đình. Ảnh: N.Q.V
Ổn định cuộc sống nhờ keo lai

Với 150ha đất rừng, xã Bình Phú là một trong những địa phương có diện tích trồng keo lai lớn nhất huyện Thăng Bình. Nhiều hộ dân ở đây có được thu nhập khá nhờ đối tượng cây trồng này. Từ 10 năm nay, gia đình ông Phạm Xuân An (thôn Đức An) trồng keo lai trên diện tích 5ha. Cứ luân phiên 4 năm, ông An lại thu hoạch keo lai. “Trung bình mỗi lần thu hoạch, tôi khai thác được 300 tấn keo lai, thu khoảng 200 triệu đồng. Giá keo vào thời điểm này tăng nhiều so với trước nên hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông An nói. Theo ông An, keo lai là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã. Nhờ trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều cơ sở chế biến gỗ trong những năm gần đây nên đầu ra cho sản phẩm ổn định.

Ông Lê Văn Thôi - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, thời gian qua nhiều hộ dân địa phương đã mạnh dạn khai phá rừng, mở rộng diện tích trồng keo lai. “Trồng keo lai trên địa bàn cũng gặp phải một số trở ngại như chưa tuân thủ quy hoạch. Nhiều hộ dân chưa nhận thức đúng về tiềm năng và hướng phát triển của kinh tế rừng. Bởi vậy, trong thời gian đến, xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị của kinh tế rừng để người dân mở rộng sản xuất, qua đó nâng cao thu nhập” - ông Thôi nói. Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, địa phương đang tiến hành rà soát lại việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp để giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng keo lai trên địa bàn. Bởi khi có cơ sở pháp lý vững chắc, việc canh tác rừng nói chung, trồng keo lai nói riêng sẽ được thuận tiện hơn, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

Mở rộng diện tích cao su
Theo kế hoạch tái cơ cấu kinh tế rừng huyện Thăng Bình, từ nay đến năm 2015, trồng mới 200ha rừng tập trung, trồng lại rừng sau khai thác 400ha, trồng rừng phân tán 400ha, đồng thời giữ ổn định 2.500ha diện tích rừng keo. Độ che phủ rừng đạt hơn 16%. Việc khai thác rừng trồng nguyên liệu đạt mức 45.000m3/năm. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện trồng mới 1.200ha rừng gồm rừng tập trung, rừng sau khai thác và rừng phân tán, đồng thời giữ ổn định diện tích đất có rừng là 7.583ha.
Về phát triển trồng cây cao su: triển khai trồng mới 300ha cây cao su đại điền theo quy hoạch của huyện, đồng thời trồng mới 50ha cây cao su tiểu điền. Đến năm 2015 đưa vào khai thác 30ha cây cao su, năng suất bình quân đạt 0,8 - 1 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24 - 30 tấn mủ cao su.
Tận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù đồi núi, cây cao su tiểu điền được trồng ở nhiều xã vùng tây của huyện Thăng Bình trong nhiều năm qua. Năm 2007, từ nhiều nguồn vốn huy động được, anh Nguyễn Viết Cường (thôn Linh Cang, xã Bình Phú) trồng gần 3.000 cây cao su trên 5ha. Đến thời điểm này, rừng cao su tiểu điền của anh đã cho thu hoạch. Theo ước tính, năng suất mủ cao su thu hoạch đạt 1 tấn/ha. Như vậy với 5 tấn mủ cao su thu được, anh Cường sẽ có nguồn thu khoảng 500 triệu đồng. “Mặc dù giá mủ cao su xuống thấp vào thời điểm này nhưng tôi không quá lo ngại. Rừng cao su tiểu điền này sẽ còn cho thu hoạch trong vòng 25 năm đến. Nếu không bị bão tàn phá, sau mỗi năm thu hoạch, gia đình tôi sẽ có thêm nguồn thu vài trăm triệu đồng” - anh Cường cho biết. Chỉ riêng trên địa bàn xã Bình Phú, diện tích trồng cao su tiểu điền đến thời điểm này là gần 50ha.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, từ nay đến năm 2015, huyện sẽ trồng thêm 50ha cao su tiểu điền, nâng tổng diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn lên 190ha. Song song với trồng cao su tiểu điền, huyện sẽ triển khai trồng cao su đại điền trên diện tích 1.000ha theo quy hoạch. Mới đây, UBND huyện Thăng Bình có buổi làm việc với Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam về triển khai trồng cao su đại điền trên địa bàn. Ông Nguyễn Duy Phúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam khẳng định, việc triển khai trồng cao su đại điền trên địa bàn huyện Thăng Bình sẽ thu hút thêm nhiều lao động, giải quyết việc làm cho người dân. Dù giá cao su có giảm xuống nhưng việc sản xuất cũng sẽ đảm bảo ổn định cho đời sống của các nông hộ. Còn ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình thì cho biết, trong thời gian đến, huyện sẽ chú trọng việc đưa giống cây cao su phù hợp, cho năng suất cao để triển khai trồng đại điền trên địa bàn. Cùng với đó là chú trọng phòng trừ sâu bệnh và chống gãy đỗ cao su khi có gió bão.
 
Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,769 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 17 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com