|
Muốn phát triển chăn nuôi phải thay đổi nhận thức người dân. Ảnh: Hoàng Thọ |
Đàn gia súc giảm 50%
Chúng tôi đến thôn 5 (xã Trà Nam, Nam Trà My), nơi trước đây là địa bàn dẫn đầu toàn huyện về chăn nuôi gia súc gia cầm, trong đó nhiều nhất là dê và trâu, nhưng giờ đây cả thôn này đều vắng bóng vật nuôi. Đa số các hộ dân tập trung trồng lúa nước và phát nương, tỉa rẫy chứ không còn mặn mà với chăn nuôi. Ông Hồ Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho biết, người dân nơi đây ngoài phát triển chăn nuôi không còn cách nào để thoát nghèo, bởi lẽ trồng quế ra bán không được, làm lúa chỉ đủ ăn. Hơn nữa với điều kiện miền núi có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào nên chăn nuôi là con đường hiệu quả nhất. “Dê cái một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa cho 2 con. Đưa vào nuôi khoảng 1 năm được hơn 10 ký hơi, bán tại chỗ được hơn 1,2 triệu đồng. Cho nên nếu phát triển và nuôi thả theo hướng chuồng trại hiệu quả thì người dân sẽ thoát nghèo nhanh. Đó là chưa nói đến gia súc cho giá trị kinh tế cao hơn như trâu, bò” - ông Thuấn cho biết.
Còn tại thôn 2, xã Trà Vinh, trước đây phong trào nuôi gia súc phát triển mạnh. Ông Đinh Văn Yến, một người dân địa phương cho biết, trong làng nhà nào ít nhất cũng có 3 con trâu, bò. Nhưng những năm gần đây dịch bệnh xảy ra thường xuyên, trâu bò chết dần. Dân làng đem ra xẻ thịt chia nhau ăn vì không biết bán cho ai. “Cả làng chừ ai cũng ngại chưa dám chăn nuôi trở lại vì trâu bò trị giá hàng chục triệu đồng chứ đâu phải ít. Nếu nuôi mà bị chết nữa thì nợ nần không biết lấy gì trả” - ông Yến tâm sự. Ông Phan Thanh Tiến - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, theo số liệu năm 2013 thì tổng đàn gia súc toàn huyện đạt 21.642 con. Tuy nhiên, kết quả mà phòng vừa rà soát trong tháng 6.2014 này thì tổng đàn gia súc chỉ còn lại 10.412 con. Cụ thể, đàn trâu hiện là 867 con, giảm 607 con; đàn bò 1.456 con, giảm 1.847 con; đàn heo 7.435 con, giảm 5.265 con; đàn dê 654 con, giảm 3.511 con. Khi xem kết quả này nhiều người ngạc nhiên vì chỉ trong vòng 6 tháng mà hơn một nửa số gia súc của cả huyện bị sụt giảm đến kinh ngạc.
Cần thay đổi tập quán chăn nuôi
Ông Phan Thanh Tiến cho biết, nguyên nhân chính khiến cho đàn gia súc ở huyện bị giảm sút một cách nhanh chóng như vậy là tình trạng dịch bệnh diễn ra thường xuyên. Đến nay, mặc dù các cơ quan chức năng trong huyện đã tổ chức nhiều đợt hướng dẫn phương pháp chăn nuôi chuồng trại nhưng với tập tục truyền thống nên các hộ dân ở Nam Trà My vẫn thả gia súc ăn rông, ngủ rừng, không có chuồng trại để nuôi nhốt. Huyện cũng đã hỗ trợ tấm lợp cho người dân làm chuồng nhưng phần lớn là đem lợp nhà, lợp công trình khác. Do thả rông nên gia súc bị dịch bệnh chết là khó tránh khỏi. Thêm vào đó, mùa đông ở miền núi nhiệt độ lại xuống thấp, trong khi gia súc không có chuồng trại ấm áp để cư trú nên bị chết vì đói và rét. Có năm, cả huyện chết tới gần 1 nghìn con trâu, bò gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi hơn 2 tỷ đồng. Không những thế, do nuôi thả rông nên gia súc bị chết vì rắn độc cắn, mắc dây rừng, khát nước… cũng thường xuyên xảy ra. Rồi một số trâu, bò, dê do không có người trông giữ vào phá nương rẫy của người khác nên bị chặt đuôi, chết. “Có một số hộ mới đưa gia súc vào nuôi thả đến lúc sinh sản do túng tiền đem bán nên không còn phát triển nữa. Các xã cập nhật số liệu cũng không thường xuyên, rồi áp dụng vào cách tính kế thừa, nghĩa là năm sau cao hơn năm trước nên mới dẫn đến số liệu không khớp với thực tế” - ông Tiến cho hay.
Chủ trương của huyện Nam Trà My vẫn là khuyến khích nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập, từng bước thoát khỏi đói nghèo. Theo đánh giá thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gia súc bị chết là ý thức chủ quan nên muốn phát triển chăn nuôi, trước tiên phải thay đổi nhận thức cho nhân dân. Phải vận động các hộ chăn nuôi làm chuồng trại, tăng cường hỗ trợ vốn và cấp giống chất lượng cao cho bà con đầu tư phát triển. Cạnh đó các hội, đoàn thể từ huyện đến xã cũng phải vào cuộc để vận động người dân không được bán gia súc giữa chừng. “Nếu huyện đầu tư mua con giống và thành lập các trang trại chăn nuôi gia súc thì sẽ thu hút được người dân tham gia. Qua đó bà con sẽ tận mắt thấy, tai nghe kỹ thuật chăn nuôi hiện đại rồi áp dụng. Ở vùng núi mà không phát triển được chăn nuôi thì quả là một thiệt thòi” - Hồ Văn Thuấn, Chủ tịch UBND xã Trà Nam chia sẻ.
Theo Báo Quảng Nam