hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Phát triển nông nghiệp hàng hóa (12/08/2014)
Gần 3 năm nay, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Điện Phong (huyện Điện Bàn) đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực kinh tế nông nghiệp bởi đây là tiền đề thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia này.

Năng suất lúa tăng mạnh

Dẫn tôi lội thăm 4 sào lúa hè thu đang trổ đòng rộ, ông Nguyễn Văn Pháp (thôn An Hà, xã Điện Phong) hồ hởi: “Hồi trước, do đất đai manh mún, thủy lợi quá khó khăn khiến sản lượng lúa ở vùng này thường đạt thấp, bình quân mỗi sào chỉ thu về 260kg khô. Mấy năm nay, nhờ nước tưới dồi dào, nguồn giống chất lượng cao, phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh nên năng suất lúa tăng lên 320kg/sào”. Ông Nguyễn Năm – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện mỗi vụ nông dân Điện Phong gieo sạ 163ha lúa. Nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho số diện tích này, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa 3 trạm bơm điện thì thời gian qua bằng nhiều nguồn vốn huy động, địa phương đã đầu tư ít nhất 7 tỷ đồng để kiên cố hóa 11km kênh mương chính. Ông Năm nói: “Nhờ chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi nên đến nay toàn bộ 163ha đất lúa đó đã đảm bảo được nước tưới, việc sản xuất của nhà nông không còn khó khăn như trước”. Ngoài ra, Điện Phong còn thường xuyên phối hợp cùng ngành nông nghiệp huyện Điện Bàn thực hiện việc chọn lọc, tuyển chọn, du nhập, lai tạo nhiều loại giống lúa mới có chất lượng cao để hỗ trợ người dân đưa vào canh tác đại trà.

Rất nhiều mô hình nuôi bò lai thâm canh ở Điện Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: N.SỰ
Rất nhiều mô hình nuôi bò lai thâm canh ở Điện Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: N.SỰ

Theo ông Trần Văn Nhân – Phó ban Nông nghiệp xã Điện Phong, nhờ tập trung đầu tư đồng bộ nhiều khâu nên 5 năm trở lại đây năng suất lúa liên tục tăng mạnh. Ông Nhân chia sẻ: “Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 64 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với thời điểm năm 2009. Đó là con số bình quân chứ cá biệt có một số cánh đồng ở thôn Thi Phương đạt hơn 70 tạ/ha”. Mặt khác, nhờ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí nên thời gian qua nông dân Điện Phong có điều kiện đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất. Hiện nay người dân trên địa bàn xã đã mua về 11 máy gặt đập liên hợp, 14 máy cày lớn nhỏ, nhờ vậy việc thu hoạch lúa và làm đất gieo sạ diễn ra rất nhanh, khoảng 1 tuần là xong chứ không kéo dài cả tháng trời như lúc trước.

Nâng cao giá trị cây trồng, con vật nuôi   

Ngày 26.3.2012, Điện Phong tổ chức lễ phát động xây dựng nông thôn mới. Thời điểm đó, địa phương chỉ đạt 6 tiêu chí, sau hơn 2 năm thực hiện đến nay đã hoàn thành 16 tiêu chí do Trung ương quy định. Ông Nguyễn Năm – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện chính quyền và nhân dân Điện Phong tập trung mọi nỗ lực hoàn tất 3 tiêu chí còn lại là môi trường, thiết chế văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất để chính thức trở thành xã nông thôn mới vào đầu năm 2015. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm 4,8%, giảm 8% so với cuối năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng so với cách đây 3 năm…

Ông Nguyễn Năm cho biết thêm, Điện Phong có tổng cộng 600ha đất màu. Để tạo điều kiện cho nông dân xây dựng những mô hình canh tác cây công nghiệp ngắn ngày theo phương thức tập trung, thời gian qua xã rất chú trọng đến vấn đề thủy lợi hóa. Từ nguồn kinh phí do cấp trên hỗ trợ kết hợp với ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp, những năm gần đây Điện Phong đã chi hơn 28 tỷ đồng kéo 33km đường dây điện ra khắp các cánh đồng để thủy lợi hóa toàn bộ 600ha đất màu ấy. Nước tưới chủ động, nhà nông dồn sức chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đã mang lại thành quả rất lớn. bình quân mỗi năm 1ha đất sản xuất cây trồng cạn ở địa phương cho giá trị khoảng 80 - 90 triệu đồng. Như vậy, với số diện tích đất màu nêu trên, hàng năm nông dân Điện Phong thu được 48 - 54 tỷ đồng. “Có thể khẳng định, việc hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây trồng cạn được xem là hướng chủ lực giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Trong tương lai, đây vẫn sẽ là khâu mũi nhọn để Điện Phong thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới” – ông Năm nói.

Trước tình trạng dịch cúm gia cầm và bệnh tai xanh thường xuyên tái bùng phát, từ năm 2010 đến nay người dân Điện Phong tập trung phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò lai theo hướng thâm canh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Nguyễn Năm, hiện Điện Phong có 1.713 con bò, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 80%, tăng 25% so với năm 2009. Để có nguồn thức ăn phục vụ cho việc chăn nuôi bò, những năm gần đây nông dân trên địa bàn xã đã trồng 20ha cỏ voi chuyên canh và hơn 100ha cỏ xen canh. Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này toàn xã có gần 400 hộ dân đầu tư nuôi bò đàn với quy mô mỗi mô hình 3 - 10 con, hàng năm thu về 45 - 120 triệu đồng.

NGUYỄN SỰ

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  971 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 34 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20 30
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com