Cộng đồng tham gia
Được triển khai từ tháng 4.2012 (sẽ kết thúc tháng 3.2016), đến nay dự án đã đi được nửa chặng đường với những thành công nổi bật. Khác với các loại hình du lịch cộng đồng đã triển khai trên địa bàn tỉnh, dự án du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại xã Ta Bhing không chỉ hướng đến mục đích tạo thu nhập cho người dân mà còn gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, môi trường tự nhiên và các giá trị kinh tế. Đặc biệt, dự án đã sử dụng phương pháp “săn tìm kho báu” nhằm phát hiện và phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của địa phương để phát triển du lịch.
|
Dự án du lịch đã góp phần kết nối cộng đồng với nhau thông qua các hoạt động đón khách.Ảnh: VĨNH LỘC |
Theo bà Naomi Okiyama - Quản lý dự án du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, giá trị nổi bật của dự án là đã thúc đẩy sự đa dạng của toàn thể người dân trong cộng đồng cùng tham gia đón khách. Để giúp dự án vận hành tốt, các đơn vị khác nhau đã được thành lập với vai trò và trách nhiệm rõ ràng, như Ban quản lý dự án gồm các thành viên Phòng Kinh tế - hạ tầng, Phòng VH-TT, Công an, Y tế huyện…; nhóm công tác gồm các thành viên trong Ban quản lý và Ban thực hiện để triển khai những nhiệm vụ như vệ sinh cộng đồng, an ninh, môi trường, quảng bá xúc tiến, giám sát. Ban thực hiện gồm các phòng ban cấp xã và được chia thành 2 đơn vị, gồm đơn vị phát triển (hỗ trợ cộng đồng trong việc phát hiện “kho báu” phát triển thành sản phẩm du lịch) và đơn vị điều hành tour (hoạt động như một cầu nối giữa công ty du lịch và cộng đồng, chịu trách nhiệm về vấn đề điều hành và tài chính của các tour du lịch). Cuối cùng là nhóm sáng kiến cộng đồng được thành lập từ chính sáng kiến của người dân về việc họ muốn giới thiệu gì cho khách. Đến nay, đã có hơn 20 nhóm sáng kiến được thành lập tại 7 thôn trên địa bàn xã như nhóm trình diễn múa Cơ Tu, nhóm nấu ăn, nhóm dệt, nhóm đan lát, nhóm đời sống Cơ Tu... “Tour chỉ đi về trong ngày với số lượng khách đăng ký ít nhất là 6 người để người dân có thể giữ được cuộc sống yên bình, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài vào môi trường văn hóa cũng như đời sống của đồng bào” - bà Naomi Okiyama nói. Về phía cộng đồng, việc nhận khách mỗi tuần một đoàn sẽ giúp cộng đồng đón tiếp chu đáo hơn và dễ kiểm soát so với đón khách lẻ. Ngoài ra, dự án cũng giúp người dân biên soạn quy định cụ thể đối với du khách và các bên liên quan nên làm gì và không nên làm gì khi tham gia tour du lịch đến Ta Bhing.
|
Tác động tích cực
Tính đến tháng 3.2014 xã Ta Bhing đã đón 27 đoàn với 381 du khách, thu nhập hơn 233 triệu đồng, trong đó nhóm sáng kiến thu nhập gần 136 triệu đồng. Chương trình tham quan thường kéo dài trong vòng một ngày, thời gian khoảng 5 tiếng đồng hồ. Theo đó, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa cộng đồng Cơ Tu như múa tâng tung da dá, ăn trưa với các món truyền thống; xem dệt cườm tại làng Zara; giao lưu với người dân… Theo ông Pơloong Hon - Chủ tịch UBND xã Ta Bhing, qua 2 năm triển khai, dự án đã có những tác động tích cực đến nhiều mặt đời sống người dân. Trong đó, tác động về mặt kinh tế là rõ nét nhất khi tạo ra sinh kế mới cho đồng bào. Bằng cách tận dụng các tài nguyên địa phương, người dân đã được chia sẻ những lợi ích thiết thực khi cùng tham gia các nhóm sáng kiến. Ngoài ra, du lịch đã bổ sung đóng góp vào quỹ thôn để dùng vào những công việc của làng. “Đối với người Cơ Tu lễ đâm trâu là nghi lễ truyền thống đón năm mới nhưng do lâu nay thiếu kinh phí nên nhiều thôn trong xã không tổ chức lễ hội này. Bây giờ được tham gia dự án, một số thôn đã để dành tiền từ nguồn thu nhập du lịch và năm nay bà con đã có thể tổ chức được lễ hội đâm trâu” - ông Pơloong Hon chia sẻ.
|
Nhiều giá trị văn hóa đã được phục hồi và phát triển phục vụ khách tham quan. Trong ảnh: Trình diễn múa sạp và ẩm thực của đồng bào Cơ Tu. |
Một thành công khác của dự án là đã tạo được sự chuyển biến nhận thức trong đại bộ phận người dân về môi trường và xã hội. Các thôn sạch sẽ hơn, người dân đã có thói quen dọn dẹp vệ sinh trong làng trước khi khách đến. Tình đoàn kết giữa các làng thêm bền chặt nhờ cùng phối hợp trong những lần đón khách. Đặc biệt, ở khía cạnh văn hóa, dự án đã giúp nhiều bạn trẻ trong làng quan tâm hơn đến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua việc tìm đến những người lớn tuổi học hỏi cách thức đan lát, dệt thổ cẩm, hát múa dân ca Cơ Tu… để phục vụ du lịch.
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, dù dự án đã đáp ứng được chiến lược phát triển của du lịch Quảng Nam là đi từ du lịch văn hóa di sản đến du lịch biển và du lịch sinh thái, cộng đồng, nhưng cũng mới chỉ giới hạn trong đối tượng khách đến từ Nhật Bản nên số lượng tour đến Ta Bhing vẫn chưa cao. Nhằm tạo sự đa dạng điểm đến, dự án cần kết nối với nhiều điểm du lịch khác như thác Grăng, đường mòn Hồ Chí Minh… để khách có thêm nhiều trải nghiệm. Bên cạnh đó, cần tạo thêm điểm dừng chân trên tuyến đường từ Hội An hoặc Đà Nẵng lên Nam Giang và mở rộng ra nhiều đối tượng khách tiềm năng khác như châu Âu và khách nội địa (sinh viên, học sinh) nhằm tạo tính bền vững. “Dự án nên hỗ trợ về mặt kỹ thuật để người dân có thể tiếp tục duy trì hoạt động khi dự án kết thúc” - ông Hài nói.