hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Bắc Trà My huy động sức dân xây dựng nông thôn mới (10/03/2014)
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, yếu tố quan trọng để thực hiện đạt được các tiêu chí đề ra đó là vận động nguồn lực và sự vào cuộc từ người dân hưởng lợi. Tại huyện vùng cao Bắc Trà My, nguồn lực từ người dân đã được các địa phương huy động rất tích cực, góp phần thực hiện khá hiệu quả xây dựng cơ sở hạ tầng từ các nguồn đầu tư của Nhà nước.

 Dân đồng hành thực hiện

Huyện Bắc Trà My có 12/13 xã thị trấn được hưởng lợi từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, ngoại trừ thị trấn Trà My. Trong đó, hai xã Trà Tân và Trà Dương có mặt bằng mức sống người dân và cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi được chọn làm điểm thực hiện để nhân rộng. Từ khi phát động vào năm 2011 đến nay, thông qua công tác tuyên truyền người dân các địa phương hưởng lợi đều nắm bắt và hiểu được mục đích, ý nghĩa sâu xa, thiết thực của Chương trình này.
 
Già làng người Kadong Đinh Văn Xuôi hiến 400m2  đất để làm nhà Sinh hoạt thôn
 
Ông Phạm Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Tân, Kiêm Trưởng Ban Quản lý chương trình Nông thôn mới xã Trà Tân cho biết, tất cả các công trình Nông thôn mới tại địa phương, khi đầu tư đều được Ban quản lý xã tổ chức họp, bàn bạc công khai, rõ ràng trước dân, thống nhất đầu tư theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở nhu cầu bức tại các địa bàn đặc thù và đã tạo được sự đồng thuận, hợp tác tích cực trong nhân dân. Theo ông Cường, qua ba năm triển khai, các nguồn vốn chương trình Nông thôn mới đầu tư cho xã khoảng 3 tỷ đồng. Toàn bộ vốn đều dành vào xây dựng công trình, không tốn kém chi phí đền bù giải phóng mặt bằng do hầu hết người dân trong khu vực công trình ảnh hưởng đều tự giác hiến đất, tài sản trên đất để chung tay thực hiện. Điển hình như các công trình trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn 4, tại thôn 6; đường giao thông bê tông tại thôn 7, thôn 8…, nếu đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí phải tốn kém hàng tỷ đồng, nhưng toàn bộ hàng trăm hộ dân hưởng lợi đã tự giác hy sinh quyền lợi để làm công trình, không hề đòi đền bù hỗ trợ. Nhờ đó, chất lượng công trình đảm bảo, số lượng công trình đầu tư cũng tăng, phủ đến được nhiều địa bàn hơn. Tiêu biểu như, Già làng Đinh Văn Xuôi, dân tộc Cadong, trú tại thôn 4 xã Trà Tân, tuy gia cảnh còn khó khăn, ở nhà tạm song vẫn hiến vạt đất hơn 400m2 để xã làm nhà sinh hoạt thôn. Ông thổ lộ: “Già hiến vạt đất, tuy lớn đối với mình nhưng so với Nhà nước bỏ ra tiền tỷ để làm Nhà sinh hoạt thôn cho bà con thì có đáng chi. Cũng vì cái chung, già chịu thiệt, hôm nay có cái nhà sinh hoạt, cả làng rất vui, mình cũng thấy ưng cái bụng lắm”.
 
 Ông Cường cũng cho biết thêm, người dân vùng hưởng lợi còn góp công sức thêm để xây dựng công trình, tổng giá trị người dân đóng góp vào các công trình Nông thôn mới tại Trà Tân chiếm từ 35 đến 40% và Trà Tân cũng đã cơ bản đạt được 9/19 tiêu chí trọng tâm của chương trình đề ra. Trong khi đó, tại xã Trà Dương, xã điểm thực hiện Chương trình Nông thôn mới thứ 2 của huyện Bắc Trà My, việc huy động sức dân trong thực hiện Chương trình này cũng rất thuận lợi. Tất cả người dân hưởng lợi đều hy sinh quyền lợi hiến đất, cây cối, tài sản nơi công trình đi qua, không yêu cầu đền bù. Xã Trà Dương hiện cũng đã đạt được 10 trong tổng số 19 tiêu chí của Chương trình Nông thôn mới.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn…
 
Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng Phòng NN&PTNT, Kiêm Phó Ban trực Ban Quản lý chương trình Nông thôn mới huyện Bắc Trà My, ngoài hai xã điểm là Trà Tân và Trà Dương được cấp trên ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư, thực hiện tương đối đồng bộ, thì 10 xã còn lại tại Bắc Trà My hưởng lợi từ chương trình đến nay việc thực hiện mới chỉ dừng lại ở công tác quy hoạch. Nguyên nhân là do nguồn vốn phân bổ đầu tư nhỏ giọt, quá thấp so với nhu cầu vốn trong quy hoạch của các địa phương. Cụ thể, trong ba năm qua kể từ khi triển khai chương trình nông thôn mới đến nay, Tổng vốn của tỉnh và Trung ương  bố trí cho huyện thực hiện tại 2 xã điểm và 10 xã còn lại chưa tới 10 tỷ. Trong khi đó, quy hoạch, đề án của mỗi xã là trên 130 tỷ mới hoàn thành công việc.Bởi vậy, khả năng đạt được các tiêu chí theo lộ trình đề ra của huyện Bắc Trà My là khó thực hiện.
 
Đặc thù địa bàn miền núi, ngoài 2 xã điểm có đời sống người dân và cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi, những xã còn lại thực hiện chương trình Nông thôn mới ở Bắc Trà My, tất cả đều là xã nghèo, đặc biệt khó khăn. Người dân sở tại chủ yếu là dân tộc thiểu số như Cor, Kadong cuộc sống khốn khó, cơ sở hạ tầng thiếu thốn tạm bợ nên sẽ càng khó hơn trong thực hiện đạt được các tiêu chí của Chương trình xây dựng Nông thôn mới đến năm 2020 bởi nhu cầu nguồn lực đầu tư chủ yếu từ Nhà nước phải rất lớn. Song, việc người dân Bắc Trà My thấu hiểu, tích cực hợp tác, đóng góp chung tay xây dựng Nông thôn mới như trong thời gian qua sẽ là tín hiệu khả quan cho việc thực hiện chương trình này trong thời gian tới. “Cho dù không đạt được toàn bộ các tiêu chí theo lộ trình đề ra thì đến năm 2020, diện mạo nông thôn miền núi ở Bắc Trà My chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc, mặt bằng nhận thức của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng nếp sống văn minh, khoa học sẽ được cải thiện và nâng lên một tầm cao mới” ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay.
 
 

Nguyễn Văn Bình - Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện Bắc Trà My

Lượt xem:  1,747 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com