hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4

LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG MỘC KIM BỒNG

 

a. Địa chỉ: Thôn 3, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

b. Đơn vị đại diện: UBND xã Cẩm Kim

c. Số điện thoại liên lạc: 0235.3934244

d. Giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành và phát triển:

Làng mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ XV-XVI cùng với quá trình hình thành và phát triển đô thị thương cảng Hội An, là làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở Hội An, ở Quảng Nam và cả xứ Đàng Trong. Từ làng nghề này, các thợ mộc lành nghề đã tham gia vào việc xây dựng các công trình kiến trúc, làm đồ mộc dân dụng và đóng tàu thuyền tại Hội An và các địa phương khác.

Qua nhiều thế kỷ, Làng mộc Kim Bồng luôn nổi tiếng về sự tài hoa, tinh xảo và sự điêu luyện về kỹ thuật, thể hiện trên các công trình xây dựng, tác phẩm nghệ thuật, các đồ án trang trí, chạm trỗ và khảm xà cừ, hiện vẫn còn trong quần thể kiến trúc cổ Hội An và rải rác ở một số nơi trong nước. Điều này có được là do người làng Kim Bồng vừa biết kế thừa nghề mộc truyền thống của dân tộc, vừa biết tiếp thu tinh hoa văn hóa của các thành phần dân cư khác cùng sống tại Hội An như: Hoa, Nhật, Âu Châu…

Nằm ở bờ Nam sông Thu Bồn, cách đô thị cổ Hội An khoảng 01km đường sông, làng mộc Kim Bồng (nay là xã Cẩm Kim) ở vào vị trí khá thuận lợi, vừa không cách xa trung tâm đô thị, vừa dễ dàng trong việc giao thông, vận chuyển vật liệu, hàng hóa bằng đường sông để phát triển ngành nghề.

Từ năm 2004, thành phố lập đồ án quy hoạch chi tiết Trung tâm làng nghề, triển khai thực hiện dự án đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch. Trên cơ sở đó, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan, môi trường làng nghề; đến nay, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề đã cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, vận động nhân dân đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng sản xuất tại Trung tâm làng nghề, trùng tu các nhà thờ tộc họ, chỉnh trang vườn nhà. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn khác thành phố đã đầu tư tôn tạo các di tích, kè chống xói lở làng nghề. Các công trình trên đã góp phần làm thay đổi diện mạo của làng nghề và tạo điều kiện, môi trường thu hút các doanh nghiệp và nhân dân đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh và làm dịch vụ du lịch.

Bên cạnh công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, các lớp nâng cao tay nghề, bồi dưỡng kỹ năng sáng tác nhằm tạo dựng đội ngũ lao động trẻ kế cận các nghệ nhân đã cao tuổi hiện nay; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở tham gia hội chợ trong, ngoài tỉnh và tăng cường công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là qua các trang mạng điện tử, website cơ sở, website thành phố; hỗ trợ kinh phí đầu tư cải tiến kỹ thuật; hỗ trợ lãi suất ưu đãi; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể sản phẩm mộc Kim Bồng – Hội An (được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận năm 2008).

Những hoạt động nói trên đã góp phần nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, về khả năng tổ chức, quản lý sản xuất - kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường, nhờ đó chất lượng, kiểu dáng, chủng loại sản phẩm làng mộc Kim Bồng từng bước được nâng lên, được thị trường chấp nhận và làng nghề bắt đầu được du khách quan tâm tìm đến tham quan ngày càng đông.

Đến nay, Làng nghề truyền thống Mộc Kim Bồng có 32 cơ sở, giải quyết việc làm cho 91 lao động. Doanh thu sản phẩm làng nghề đều có bước tiến qua các năm.

Với những kết quả bước đầu, Làng mộc Kim Bồng đang có nhiều cơ hội để tiếp tục khôi phục, phát triển nghề gắn kết với hoạt động du lịch. Nhiều trại mộc, xưởng mộc được phục hồi, nhất là các xưởng đóng tàu thuyền, làm đồ mộc dân dụng và hàng mỹ nghệ; các dịch vụ phục vụ du lịch được hình thành và phát triển sẽ góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và thợ mộc Kim Bồng đã và đang góp phần đắc lực trong việc trùng tu, tôn tạo, sửa chữa các di tích đang xuống cấp tại Hội An, vốn đã được chính cha ông họ xây dựng trong nhiều thế kỷ trước.

e. Các sản phẩm đặc trưng: Bên cạnh việc nhận các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng, đóng sửa tàu thuyền, ngày nay, Làng mộc Kim Bồng còn tạo ra được nhiều sản phẩm mới lạ, phục vụ du khách như: bàn ghế, tủ gỗ, tượng Phật, các tượng trạm trổ khác, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

f. Videoclip liên quan:

https://www.youtube.com/watch?v=RfAS6Mg-B_k

https://www.youtube.com/watch?v=0OjZRdi-b_Q

https://www.youtube.com/watch?v=72v5m7jwkL8

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com