
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mạc Như Phương- Quyền Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, năm 2025 huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn, phấn đấu giải ngân đạt 100% tổng vốn đầu tư công năm 2025 (kể cả nguồn vốn được phép kéo dài). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện gặp không ít vướng mắc, khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Tổng kế hoạch vốn năm 2024 thực hiện kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2025 là hơn 123,7 tỷ đồng. Tính đến ngày 25/3 thực hiện giải ngân được 6% kế hoạch vốn.
Về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn năm 2025, tổng kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 100 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 94,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 5,6 tỷ đồng. Đến nay, đã thực hiện phân bổ gần 74, 5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 74,42% kế hoạch vốn. Thực hiện giải ngân được hơn 13,3 tỷ đồng, đạt 13,32% kế hoạch vốn.

Ông Mạc Như Phương- Quyền Chủ tịch UBND huyện Tây Giang báo cáo tình hình thực hiện các Chương trình MTQG.
Ông Mạc Như Phương- Quyền Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình hình chậm giải ngân vốn của huyện. Trong quá trình triển khai thực hiện một số văn bản liên tục điều chỉnh, bổ sung, vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện, trong tổ chức thực hiện xây dựng dự án còn lúng túng, từ đó làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án. Chủ trương chính sách, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là phù hợp, mang tính nhân văn, giúp các hộ này từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian qua rất đáng trân trọng. Nhưng, vẫn có bộ phận người nghèo còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào vốn đầu tư của nhà nước, việc huy động vốn của nhân dân vào việc đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội còn nhiều hạn chế.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn còn cao, tỷ lệ trên 40%. Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chủ yếu vẫn là lao động chiếm tỷ lệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các cấp, các ngành, nhất là ở cấp xã còn lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới, các gói mua sắm vật tư, nguyên vật liệu phải thực hiện đấu thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia nên mất nhiều thời gian hơn, trong khi giá nguyên vật liệu xây dựng biến động nhiều nên các dự án phải thực hiện điều chỉnh dự toán, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình và đến tiến độ giải ngân vốn…
Dịp này, huyện Tây Giang cũng đã kiến nghị hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2022-2025. Giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính trợ cấp, tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp như nâng mức vay, giảm lãi suất vay vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội để khuyến khích tính chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo, đảm bảo tính giảm nghèo bền vững.
Kiến nghị với Bộ, Ban, ngành Trung ương có chính sách đặc thù riêng về quản lý, sử dụng các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như vốn duy tu, bảo dưỡng các công trình nhằm giúp các địa phương triển khai thuận lợi, kịp thời, phát huy hiệu quả sử dụng hỗ trợ từ các chương trình…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Với tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị huyện Tây Giang tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tăng cường công tác giải ngân vốn, đảm bảo đến 30/6 hoàn thành giải ngân 50% nguồn vốn, và mỗi tháng tiếp theo đạt trung bình 10%/ tháng tỷ lệ giải ngân; đối với vốn kéo dài, giải ngân dứt điểm trong tháng 4/2025. Đốc thúc các chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai thi công công trình đảm bảo kịp tiến độ…