Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Văn Noa chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có gần 400 đại biểu là đại diện các Sở, Ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Hội nghị với sự tham dự của gần 400 đại biểu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Văn Noa cho biết, việc xây dựng thôn NTM kiểu mẫu nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, tạo ra các thôn, bản có kinh tế hộ phát triển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; có cảnh quan, môi trường xanh, sạch đẹp; an ninh trật tự được đảm bảo. Đặc biệt, xây dựng “thôn NTM kiểu mẫu” nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá và những nét đặc thù của từng vùng, miền; gìn giữ được “hồn quê” và cốt cách của nông thôn Việt Nam.
“Xây dựng thôn NTM kiểu mẫu đã tạo ra diện mạo mới, có chiều sâu, tính bền vững đối với xã đạt NTM. Đã tạo ra động lực trực tiếp cho người dân, bởi lợi ích thiết thực mang lại; từ yêu cầu của Chương trình NTM, nay đã trở thành nhu cầu đòi hỏi của người dân, để “Người dân và cộng đồng là Chủ thể trong xây dựng NTM, để xây dựng NTM dần đi vào thực chất và được phát huy cao hơn. Huy động được nguồn lực trong cộng đồng dân cư”- ông Trần Văn Noa nhấn mạnh.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh là 160 tỷ đồng. Mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/ thôn/320 thôn, ngân sách cấp huyện, xã đối ứng ít nhất 200 triệu đồng/thôn. Đến nay, các huyện đã bố trí đối ứng 56.008 triệu đồng cho xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, đồng thời, các huyện đã bố trí 18.577 triệu đồng từ nguồn duy trì chuẩn cho các thôn NTM kiểu mẫu.
Trong giai đoan 2021-2024, tỉnh đã phân bổ 138,3 tỷ đồng/320 thôn, đạt 85% kế hoạch vốn cho thôn NTM kiểu mẫu mới giai đoạn 2021-202. Ngoài ra, đã trình vốn còn lại thôn NTM kiễu mẫu trong kế hoạch 2025. Các huyện đã bố trí đối ứng hơn 56 tỷ đồng cho xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, đồng thời, đã bố trí hơn 18,5 tỷ đồng từ nguồn duy trì chuẩn cho các thôn NTM kiểu mẫu.
Làng cổ Lộc Yên bước đầu thành công khi xây dựng mô hình "Miền quê đáng sống".
Từ nguồn kinh phí được phân bổ, các địa phương đã tích cực, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn. Tổng số thôn xây dựng thôn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025: 663/948 thôn, đạt 70% tổng số thôn trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến nay, có 287/663 thôn đạt chuẩn thôn NTM/Khu dân cư NTM kiểu mẫu/thôn NTM kiểu mẫu, đạt 43,3% kế hoạch đề ra (đạt 30% so với tổng số thôn).
Đối với xây dựng thôn NTM kiểu mẫu gắn với mô hình miền quê đáng sống tại Làng cổ Lộc Yên bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2024 có khoảng trên 10.000 lượt khách đến tham quan. Làng cổ Lộc Yên trở thành địa điểm tổ chức nhiều hoạt động du lịch gắn với phát huy giá trị di tích, danh thắng, lễ hội hoặc làng nghề, làng truyền thống và thành quả xây dựng NTM ở địa phương. Những thành công bước đầu trong xây dựng mô hình “Miền quê đáng sống" tại Làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã tạo động lực để tiếp tục nhân rộng ở một số xã có điều kiện tương đồng trong phát triển du lịch cộng đồng. Mô hình góp phần bảo tồn những nét văn hóa về đời sống, ngành nghề truyền thống của làng trung du Quảng Nam, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Từ việc thu hút du khách, mô hình cũng góp phần đáng kể trong việc tạo điều kiện phát triển thương mại, phát triển công nghiệp, phát triển dịch vụ tại địa phương. Làng cổ Lộc Yên cũng đã được UBND tỉnh trình Trung ương xét tặng Bằng khen về Mô hình "Miền quê đáng sống".
Có thể nói, thông qua các hoạt động trong xây dựng NTM kiểu mẫu sự gắn kết trong cộng đồng khu dân cư được chặt chẽ hơn, tình làng nghĩa xóm gắn bó hơn, cán bộ gần dân hơn, nhiều cán bộ qua thực tiễn đã trưởng thành hơn, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ các cấp được phát huy tốt hơn. Xây dựng thành công “thôn NTM kiểu mẫu” sẽ góp phần giúp cho nông thôn tiếp cận, bắt nhịp tốt hơn với xu thế phát triển mới. Một số địa phương làm tốt như: Điện Bàn, Duy Xuyên, Tiên Phước, Hội An... đã tạo được các mô hình cho các địa phương khác học hỏi, nhân rộng.
Tại hội nghị cũng đã thu hút nhiều tham luận của các Sở, Ban, ngành, địa phương về công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng mô hình làng quê đáng sống. Đồng thời, đại diện các Sở, Ban, ngành cũng đã giải đáp, hướng dẫn những kiến nghị, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sự hưởng ứng mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết của người dân trong xây dựng NTM kiểu mẫu, xây dựng làng quê đáng sống; góp phần tích cực vào xây dựng NTM được hiệu quả, bền vững, đi vào chiều sâu, với mục đích xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng trù phú, phát triển, ngang tầm các tỉnh trong khu vực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các địa phương đánh giá lại thực chất quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu trên mỗi địa phương; xây dựng kế hoạch phù hợp, linh hoạt theo từng đơn vị, vùng miền. Đồng thời, sử dụng nguồn kinh phí hợp lý, hiệu quả. Có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan; trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương với nhau.
Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Xây dựng NTM kiểu mẫu phải có nét riêng, có sự đặc sắc, làm nổi bật nét đặc trưng của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Các cấp chính quyền tập cần trung chăm lo đời sống kinh tế của địa phương, phát triển nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân- đây cũng chính là giá trị cốt lõi của xây dựng nông thôn mới.