hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Cách bảo tồn làng cổ (17/09/2018)
Dẫu khác nhau về địa lý và các giá trị đang sở hữu, nhưng các ngôi làng cổ đều gặp chung thách thức trong việc bảo tồn và phát triển.

một hoạt động văn hóa tại Làng gốm Thanh Hà thu hút du khách. Ảnh: LÊ QUÂN

một hoạt động văn hóa tại Làng gốm Thanh Hà thu hút du khách. Ảnh: LÊ QUÂN

Cuộc gặp gỡ giữa các nhà quản lý, bảo tồn làng cổ từ Bắc đến Nam và chuyên gia từ Nhật Bản mở ra những phương cách để giảm đến mức thấp nhất sự thay đổi của mỗi ngôi làng cổ.

Áp lực của bảo tồn

Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) lưu giữ quần thể di tích cổ khá dày, với hơn 100 nhà cổ có niên đại từ 100 năm trở lên, gần 1.000 ngôi nhà với kiến trúc truyền thống của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa bảo tồn và đáp ứng những nhu cầu cho cuộc sống người dân luôn gây khó cho các nhà quản lý di sản. Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, Đường Lâm được xem như một “di tích sống” khi đang có đến gần 1.500 hộ dân và hơn 6.000 nhân khẩu sinh sống. Chính điều này tạo ra sức ép rất lớn đối với di sản. Người dân kêu trời vì muốn cơi nới, xây dựng nhà cửa phải có sự thỏa thuận, cấp phép của cơ quan chức năng, khi xây dựng phải tuân thủ quy định chiều cao, khoảng lùi, thiết kế… để phù hợp với không gian, cảnh quan, kiến trúc của làng. Chưa kể nhiều gia đình có tới ba thế hệ với khoảng 10 nhân khẩu cùng sinh sống trong căn nhà có diện tích vài chục mét vuông, muốn xây dựng, sửa chữa lại để làm chỗ sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn. “Để xây dựng được khu giãn dân đã khó, nhưng khó khăn hơn là việc tổ chức đưa người dân ra ngoài khu vực này. Bởi nhiều người muốn ở lại làng cổ, không muốn thay đổi nơi ở mới. Một mặt, nếu chi phí đầu tư khu giãn dân của mỗi hộ gia đình ở mức cao, người dân cũng không đủ kinh phí. Trong khi đó, địa phương thì lại chưa có chính sách để hỗ trợ người dân” - ông Phạm Hùng Sơn nói.

Và Đường Lâm không phải là làng cổ duy nhất đang gặp phải tình trạng mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo tồn và nhu cầu đời sống hiện đại của người dân. Chưa kể, ở những nơi phát triển du lịch tốt, vô hình trung lại gây áp lực lên di sản khi đón một lượng khách lớn đến quá tải. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn vốn đầu tư, khan hiếm nguồn vật tư, vật liệu để thực hiện trùng tu bảo tồn, nguồn nhân lực có chuyên môn sâu hạn chế đã “đẩy” những di sản này luôn ở trong tình trạng báo động. Ngoài ra, những bất cập về kỹ thuật công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong tu bổ di tích, tiêu chuẩn trùng tu chưa được chuẩn hóa... cũng được đại diện các làng cổ nêu ra. Lồng ghép giữa bảo tồn và phát huy như thế nào cho hiệu quả cũng là điều khiến các nhà quản lý tại địa phương “đau đầu”.

Người dân hiểu giá trị làng mình

Những khó khăn các di sản làng cổ của Việt Nam đang gặp phải cũng chính là những thách thức mà các làng cổ của Nhật Bản từng trải qua. GS.Hiroyuki Toyoki – Giám đốc Kỹ thuật - Ban Di sản văn hóa - Cơ quan Văn hóa Nhật Bản, chia sẻ, bài học về các hoạt động bảo tồn tại Nhật có thể là cách thức để các di sản làng cổ của Việt Nam nghiên cứu, trong đó, vượt qua được thách thức thì điều quan trọng nhất phải là từ người dân. “Trước khi người dân tham gia những hoạt động về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản làng cổ, đô thị cổ để làm du lịch thì điều trước tiên làm sao để người dân ở đó phải hiểu được giá trị của làng cổ, của di tích nơi mình sinh sống. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể đạt đến mục tiêu bảo tồn” - GS.Toyoki nói.

Hội An có thể là bài học để các nhà bảo tồn từ những địa phương khác áp dụng. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, nguy cơ về đô thị hóa cũng đặt ra cho Hội An nhiều vấn đề. “Tuy nhiên, ở Hội An phải luôn gắn bảo tồn với quá trình phát triển, nhu cầu thiết yếu của người dân. Không có sự bảo tồn nào mà không mang lại lợi ích, chia sẻ lợi ích cho người dân, đó có thể là lợi ích về tinh thần, hoặc lợi ích về kinh tế. Muốn như vậy thì bảo tồn phải liên kết với phát triển du lịch chứ không thể làm đơn độc. Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác công - tư trong vấn đề bảo tồn, phải có mô hình quản lý thích hợp” - ông Trung nói. Một “di sản sống” thì không thể tách khỏi chính quyền sở tại, với những chính sách hợp lý để thuyết phục được người dân. Và đây cũng chính là nhắn gửi từ GS.Tomoda Hiromichi – chuyên gia bảo tồn của UNESCO, khi ông cho rằng, bảo tồn cần liên kết với các ngành khác, kể cả doanh nghiệp để nhận được sự đồng thuận của người dân từ lợi ích họ có được, và chính quyền địa phương phải xác định được điều này để đưa ra phương án tối ưu cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  817 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 35 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com