Hội An xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch.
Ở Hội An, phát triển du lịch nông thôn tập trung ở các xã nông thôn mới và tập trung ở một số thôn có tiềm năng, lợi thế. Thôn Thanh Tam, thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh với hệ sinh thái rừng dừa ngập mặn, đã được công nhận là Khu DTLSVH Rừng dừa Bảy Mẫu đang là điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Hay thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, nơi có làng rau truyền thống nổi tiếng vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cũng đang thu hút du khách với "Một ngày làm nông dân". Từ khi Cù lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009, xã đảo Tân Hiệp đã chuyển mình phát triển ngành du lịch một cách mạnh mẽ. Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa lịch sử, cả 03 thôn trên địa bàn xã Tân Hiệp đều phát triển mạnh dịch vụ du lịch với nhiều loại hình trải nghiệm như lặn ngắm san hô, thưởng thức đặc sản…Xã Cẩm Kim được du khách biết đến với nghề mộc truyền thống Kim Bồng (tập trung ở thôn Trung Hà).
Bên cạnh đó, đến nay, Cẩm Kim hầu như còn giữ nguyên cảnh quan của làng quê nông thôn Việt Nam với hàng rào chè tàu, giếng nước, sân đình…đang được thành phố tập trung xây dựng thành làng quê làng nghề sinh thái gắn với phát triển du lịch. Năm 2023, xã Cẩm Kim được chọn làm mô hình thí điểm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hoá bản địa và hệ sinh thái tự nhiên" trong Chương trình nông thôn mới theo Quyết định số 922 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, đến nay, cảnh quan kiến trúc và môi trường trong không gian điểm du lịch đã được cải tạo, đảm bảo vừa bảo tồn bản sắc truyền thống, vừa đảm bảo giữ được nét sinh thái. Cùng với việc triển khai dự án của trung ương, thành phố cũng lồng ghép, kết nối triển khai Dự án “Phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp du lịch sinh thái để phát triển kinh tế xã hội và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố là đơn vị điều hành; tập trung ở thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim.
Đặc biệt, những năm gần đây, ở Hội An, loại hình du lịch học tập cũng phát triển khá mạnh. Thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh với mô hình du lịch cộng đồng; mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; mô hình xử lý rác thải hữu cơ, rác thải nhà bếp; thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim với mô hình du lịch cộng đồng; thôn Bãi Làng, Bãi Ông (xã Tân Hiệp) với mô hình khai thác và bảo vệ cua đá; thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp với mô hình Tiểu khu bảo tồn biển…đã thu hút rất đông sinh viên, nhà nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước đến trải nghiệm và học tập, nghiên cứu.
Một trong những nội dung xây dựng Thôn NTM kiểu mẫu là phát triển kinh tế (tiêu chí số 4 về Phát triển sản xuất, kinh doanh và lao động qua đào tạo), vì vậy, trong công tác chỉ đạo xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, thành phố Hội An luôn chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của các thôn để phát triển lĩnh vực kinh tế phù hợp. Đối với các thôn có lợi thế về phát triển du lịch như đã nêu ở trên, thành phố đã lồng ghép, triển khai nhiều kế hoạch, phương án để vừa bảo tồn, vừa phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa lịch sử để phục vụ du lịch; nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Kết quả điều tra thu nhập qua các năm trên địa bàn các thôn có lĩnh vực du lịch phát triển cho thấy mức thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với thôn chủ yếu làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ du lịch cũng giải quyết một lượng lớn lao động trên địa bàn thôn. Nhằm thu hút du khách, cảnh quan môi trường, các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử trên địa bàn thôn cũng được các địa phương quan tâm giữ gìn, tôn tạo. Điển hình như thành lập Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá tại thôn Bãi Làng; Tiểu khu bảo tồn biển thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp; tổ cộng đồng hoạt động dịch vụ bơi thúng chai gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh; Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Kim Bồng tại thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim…Công tác gìn giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thôn nói chung và tại điểm du lịch nói riêng cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm bằng nhiều biện pháp như quy định mặc áp phao khi di chuyển trên sông nước, nghiêm cấm sử dụng loa kéo tại Rừng dừa Bảy Mẫu, hạn chế nạn chèo kéo khách…
Có thể nói việc phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn các thôn không chỉ góp phần đạt chuẩn tiêu chí số 4 mà còn là động lực, là cơ sở để đạt chuẩn các tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu như đầu tư phát triển giao thông, giữ gìn nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Với thế mạnh là du lịch dịch vụ, ở Hội An, 17/17 thôn của 04 xã đều có hoạt động du lịch dịch vụ với nhiều loại hình khác nhau như nhà hàng, lưu trú, tham quan, trải nghiệm…Trong số 11 thôn đã được công nhận thôn NTM kiểu mẫu từ 2018 đến nay, có 7 thôn có lĩnh vực du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nhờ gắn với các lợi thể, tiềm năng như thôn Trà Quế với làng rau truyền thống Trà Quế, thôn Trung Hà gắn với làng mộc truyền thống Kim Bồng, thôn Thanh Tam với rừng dừa Bảy Mẫu và nghề truyền thống tre dừa, các thôn ở xã đảo Tân Hiệp gắn với Khu bảo tồn biển và vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An…