Phấn đấu đến năm 2030, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 30 HTX, 380 THT trong nông nghiệp
Theo Kế hoạch, Đề án được triển khai theo 02 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1: Đến năm 2025. Giai đoạn 2: Từ năm 2026 đến năm 2030. Nguồn vốn thực hiện gồm: Vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án có liên quan khác, vốn tín dụng, vốn của doanh nghiệp, HTX, THT, hộ gia đình tự huy động, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Mục tiêu hướng đến nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp của các cấp Hội Nông dân; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia đình, thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững. Rà soát, củng cố, tổ chức lại, đề nghị giải thể những HTX, tổ hợp tác (THT) yếu kém, ngừng hoạt động; vận động hợp nhất, sáp nhập đối với những HTX trên lĩnh vực nông nghiệp do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 30 HTX, 380 THT trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho 35 HTX nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Thu hút thêm 20% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức KTTT trong nông nghiệp. Hỗ trợ ít nhất 15% số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, THT nông nghiệp. Có ít nhất 45% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 30% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. 100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT nắm vững qui định của Luật HTX 2023, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển THT, HTX nông nghiệp và được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển KTTT; ít nhất 90% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ. Tuyên truyền vận động 30% chủ thể là HTX nông nghiệp có sản phẩm đăng ký chương trình OCOP.