Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Ẩn- Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, và sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, đã có 118/194 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 15,96 tiêu chí/xã, có 04 huyện/thị xã/ thành phố hoàn thành nhiệm vụ NTM, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,6%. Qua đó làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, miền núi, nhất là việc đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới, tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, trật tự trên địa bàn, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới.
“Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh vừa có vùng đồng bằng ven biển, vùng trung du, miền núi và là tỉnh có vùng nông thôn rộng lớn; toàn tỉnh có 18 huyện, thị xã, thành thì có đến 09 huyện miền núi, trong đó có 06 huyện miền núi cao, khi triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, bên cạnh những thuận lợi thì Quảng Nam cũng còn rất nhiều khó khăn như: Xuất phát điểm thấp, thiên tai, bão lụt, sạt lở đất, hạn hán, dịch bệnh…”- Ông Trần Văn Ẩn cho biết thêm.
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ LĐ,TB&XH về tình hình triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Ẩn cho biết: Chương trình MTQG xây dựng NTM tại Quảng Nam được phân bổ gần 2.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025. Riêng kế hoạch vốn năm 2021,2021 là hơn 717 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 118 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ hơn 60%. Ước đến cuối năm 2022, có thêm 05 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 123 xã. Tổng số vốn gairi ngân đến 31/10 là hơn 66,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,3%.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được bố trí hơn 1.319 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 480 tỷ đồng. Đến 31/10/2022, Quảng Nam đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,1%.
Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tổng nguồn vốn được hỗ trợ trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.490 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 492 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đến 31/10/2022 là hơn 1,6 tỷ đồng, đạt 0,34%.
Như vậy, tính đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các Chương trình MTQG của tỉnh Quảng Nam còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Lý giải những tồn tại nêu trên, một số nguyên nhân được các Sở, ngành của tỉnh chỉ ra như: Nguồn vốn sự nghiệp TW phân bổ theo dự toán ngân sách hằng năm, không phân bổ theo giai đoạn nên khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng kế hoạch trung hạn của các nội dung vốn sự nghiệp. Thời gian phân bổ vốn cho địa phương trễ, sớm nhất là vào tháng 6/2022, bên cạnh đó, tỉnh đang vào mùa mưa bão, nên việc triển khai bị ảnh hưởng tiến độ đề ra. Nguồn vốn phân bổ bị cắt giảm so với giai đoạn trước…
Riêng đối với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, một số hướng dẫn của các Bộ, Ban, ngành hiện nay chưa ban hành đầy đủ, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Đơn cử như, Thông tư 02/2022/TT-UBDT chưa có hướng dẫn về định mức thực hiện nội dung của các dự án, tiểu dự án : Hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế đối với các hộ DTTS còn nhiều khó khăn…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác Bộ LĐ,TB&XH đã giải đáp những kiến nghị, vướng mắc cũng như chỉ ra những giải pháp khắc phục cho tỉnh Quảng Nam. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh- Vụ Chính sách dân tộc- Ủy ban Dân tộc đề nghị trong thời gian tới, không chỉ riêng Quảng Nam, mà các tỉnh/thành khác cần linh hoạt, chủ động thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG, không nên thụ động chờ hướng dẫn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, dẫn đến các chính sách hỗ trợ chậm đến với người dân. Đồng thời, trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG không nên quá chú trọng vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cần phân bổ vốn phát triển chuỗi giá trị, đào tạo nghề trong đồng bào DTTS; ưu tiên nguồn vốn thực hiện cho vùng khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Văn Thanh ghi nhận, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn nỗ lực, quyết tâm cao trong thực hiện các Chương trình MTQG, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm khoảng cách giữa các vùng nông thôn, miền núi và đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ giải ngân vốn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; ở một số địa phương mô hình sinh kế còn hạn chế, chưa đem lại hiệu quả như mong muốn; các chương trình, dự án thiếu tính liên kết, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm…
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Quảng Nam trong thời gian tới tập trung cho công tác giải ngân vốn các Chương trình MTQG; việc phân bổ vốn đầu tư dự án cần có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất theo quy mô lớn hơn; phát triển sản xuất liên kết từ đầu vào đến đầu ra, giúp bà con có thu nhập, nâng cao mức sống, ưu tiên đối với nhóm người dân là đồng bào DTTS; đẩy mạnh công tác dạy nghề, nhất là hướng nghiệp, dạy nghề trong HSSV đồng bào DTTS… Đối với Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là chương trình mới, cần ưu tiên chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của Chương trình. Lưu ý việc phân cấp, phân quyền phải kèm theo các yếu tố về nhân lực, nguồn lực để đảm bảo tính hiệu quả của các Chương trình.