hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Cần cơ cấu lại chuỗi chăn nuôi để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh (21/03/2022)
Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, sáng ngày 18/3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện các Sở, ngành liên quan tham gia điểm cầu Quảng Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, do dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của cả nước giảm mạnh các năm 2019, 2020; năm 2021 đàn lợn của cả nước đã dần phục hồi. Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2021 đạt 3,9 triệu tấn. Cũng do dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nguồn cung thịt trong năm 2020 và đầu năm 2021 sụt giảm, khiến Việt Nam phải tăng nhập khẩu thịt lợn.

Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng mạnh đã tác động mạnh tới giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam. Hiện chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến lợi nhuận của người chăn nuôi lợn bị giảm mạnh, thậm chí có những hộ chăn nuôi bị thua lỗ. 

Tại Quảng Nam, theo số liệu thống kê tại thời điểm tháng 2/2022, tổng đàn lợn đạt hơn 302 nghìn con, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng sản lượng thịt lợn hơi 02 tháng đầu năm ước đạt 4.827 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Hiện toàn tỉnh có 145 cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô trang trại; tổng đàn lợn chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 22%. Có 39 cơ sở chăn nuôi gia công lợn thịt cho các doanh nghiệp với tổng đàn hơn 43,4 nghìn con, chiếm 14% tổng đàn lợn của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 21 trang trại chăn nuôi lợn giống, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu con giống chất lượng cho người chăn nuôi trong tỉnh. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi nói chung, sản phẩm chăn nuôi lợn nói riêng; các sản phẩm từ ngành chăn nuôi lợn đều phục vụ nhu cầu nội tỉnh, không tham gia xuất khẩu…

Từ năm 2019 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của tỉnh bị ảnh hưởng lớn do tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổng đàn lợn hiện tại chỉ bằng 70% tổng đàn lợn khi chưa có dịch bệnh. Hiện nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 12/18 huyện, thị xã, thành phố; tiêu hủy 1.173 con lợn mắc bệnh.

Bàn về giải pháp phát triển ngành chăn nuôi lợn trong thời gian tới, theo ông Tống Xuân Chinh, để hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển ở nước ta thì cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ việc tận dụng các loại phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích doanh nghiệp và người chăn nuôi áp dụng khoa học-công nghệ, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, cải tiến, nâng cao chất lượng con giống trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần cơ cấu lại chuỗi chăn nuôi để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm: Trước việc phải nhập khẩu rất lớn lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền gắn với các cơ sở chăn nuôi. Như vậy, chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại.

Theo đó, các địa phương cần tính đến việc phù hợp với vùng chăn nuôi, chế biến thực phẩm khi cho phép xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn quản lý… để giảm áp lực về logistics. Đây cũng là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Song song đó, cần tận dụng nguyên liệu địa phương, đồng thời chuyển một số diện đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các doanh nghiệp cố gắng không tăng giá thức ăn chăn nuôi để xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi tạo nên sức mạnh cho ngành. Ngoài ra, lưu ý các địa phương cần có ý kiến về quy hoạch đất đai cho phát triển chăn nuôi khi Luật Đất đai được sửa đổi; các ngân hàng cần tăng dư nợ cho vay với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong ngành chăn nuôi.

 
 

 

TH

Lượt xem:  138 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 167 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100 130
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com