Mục tiêu kế hoạch nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững. Đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào phát triển Lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, miền núi và giữ vững an ninh quốc phòng.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.207 ha và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên thông qua việc tăng cường bảo tồn và bảo vệ rừng cũng như các biện pháp kỹ thuật lâm sinh thích hợp. Trong đó bảo vệ nghiêm ngặt 128.868 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch đặc dụng, Vườn Quốc gia; nâng chất lượng rừng đối với các diện tích rừng nghèo, rừng phục hồi tối thiểu 15.000 ha đạt mức trữ lượng rừng trung bình.
Tăng độ che phủ rừng lên 61% vào năm 2025 (độ che phủ rừng tự nhiên là 45,2% và độ che phủ 9 huyện miền núi là 69%). Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.207 ha và dự kiến tăng thêm khoảng 13.000 ha qua hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, làm giàu rừng; diện tích rừng trồng mới 9.000 ha (gồm diện tích rừng gỗ lớn bản địa 3.000 ha từ đề án trồng rừng gỗ lớn và 2.500 ha rừng trồng phòng hộ từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Tiểu Dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi)
Tăng diện tích rừng sản xuất chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 có ít nhất 15% diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC, trong đó rừng trồng cây gỗ lớn đạt 20.000 ha (trong đó 3.000 ha rừng trồng các loài cây bản địa).
Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý về lâm nghiệp; cải thiện và tăng cường quản trị rừng thông qua hỗ trợ các chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
Đề xuất và áp dụng thí điểm một số chính sách; thiết lập và nhân rộng, chuyển giao một số mô hình bảo vệ, phát triển rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.
Tăng tỷ lệ gỗ lớn bình quân (gỗ tròn có đường kính đầu nhỏ ≥ 15cm) từ 20 - 25% sản lượng khai thác hiện nay lên 45 - 50% vào năm 2030. Phấn đấu tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5%/năm trở lên; giá trị tổng sản phẩm ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 15,21%.