Phở sắn là sản phẩm OCOP của huyện Quế Sơn
Trong giai đoạn 2018-2020, Quế Sơn giải ngân gần 1,2 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP; hướng dẫn trực tiếp khâu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cho các chủ thể tham gia chương trình; đưa chủ thể tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn do tỉnh tổ chức; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại để quảng bá thế mạnh, tiềm năng cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Theo đó, trên địa bàn toàn huyện Quế Sơn có 8 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Phở sắn - Công ty TNHH Caromi, thị trấn Đông Phú; Kẹo đậu phụng Ngọc Hải - Cơ sở sản xuất kinh doanh Đặng Ngọc Hải, xã Quế An; Nếp đắng Lộc Đại - Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Hiệp, xã Quế Hiệp; Khoai chà - Hợp tác xã Nông nghiệp An Xuân Sơn, xã Quế Mỹ; Bánh dừa nướng Quý Thu - Hộ kinh doanh Lương Văn Quý, xã Quế Xuân 2; Bánh quế dừa - Cơ sở sản xuất bánh kẹo Phù Sa, xã Quế Xuân 1; Phở gạo Ánh Dương - Cơ sở sản xuất Ánh Dương, xã Quế Phú; Rau cải cầu vồng - Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phước Thành, xã Quế Thuận.
Ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, “Từ nguồn vốn lồng ghép sự nghiệp khuyến nông, khuyến công, khoa học - công nghệ... huyện đã hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu nếp đắng tại xã Quế Hiệp với kinh phí 237 triệu đồng và hỗ trợ mua sắm máy móc cho các chủ thể tham gia chương trình với kinh phí 200 triệu đồng. Sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, doanh số bán hàng và lợi nhuận thu được từ tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể tăng 57% so với trước khi tham gia chương trình”.
Quế Sơn phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 15 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; phấn đấu 2 sản phẩm OCOP gồm phở sắn và tinh dầu sả tham gia xuất khẩu thị trường nước ngoài. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các nhóm sản phẩm như dịch vụ, du lịch nông thôn, hàng lưu niệm, nội thất, trang trí, thảo dược. Bên cạnh đó, huyện chú trọng nâng hạng đối với các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao; thành lập mới 5 hợp tác xã và 5 doanh nghiệp tham gia OCOP.
Huyện cũng dự kiến xây dựng 3 điểm bàn hàng OCOP tại đèo Le, thị trấn Đông Phú và thị trấn Hương An.
Tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho 1.500 lao động nông thôn thông qua chương trình OCOP. Đặc biệt, Quế Sơn sẽ cố gắng hỗ trợ các chủ thể đưa 2 sản phẩm là phở sắn và tinh dầu sả tham gia thị trường xuất khẩu...
Ông Nguyễn Phước Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết “Cùng với phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, Quế Sơn sẽ nỗ lực nghiên cứu, khảo sát xây dựng các dự án ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP chủ lực cấp huyện, bao gồm sản phẩm có tỷ trọng hàng hóa cao, có ưu thế về phát triển nguyên liệu, thu hút được nhiều lao động. Để phục vụ các nhóm sản phẩm này, huyện tập trung quy hoạch nguồn nguyên liệu, áp dụng công nghệ mới và tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến GMP, HACCP, VietGAP... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với cơ chế thị trường, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân”.
Vừa qua, huyện Quế Sơn đã được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương xây dựng Trung tâm OCOP cấp tỉnh, tại xã Quế Phú. Khi hoàn thành sẽ là nơi quảng bá, trao đổi, buôn bán các sản phẩm OCOP của tỉnh và huyện Quế Sơn, giúp các chủ thể tiêu thụ sản phẩm nhanh hơn, từ đó giúp cho các đặc sản của địa phương có chỗ đứng trên thị trường.