Điểm cầu Quảng Nam.
Theo Tổng cục du lịch, những năm qua, du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa, sinh thái nông nghiệp, nông thôn đã phát triển tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệp của du khách. Đến nay, trên cả nước có khoảng gần 400 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Nhiều địa phương đã trở thành điểm đến có các sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu như Lào Cai, Sơn La, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Nam, Huế...Đặc biệt, với Chương trình xây dựng nông thôn mới và OCOP đã góp phần tạo điểm nhấn thu hút đối với du khách trong trải nghiệm du lịch nông thôn. Được biết, giai đoạn 2010-2020, cả nước có 5.343 xã đạt chuẩn NTM, trên 4.900 sản phẩm OCOP, 2.960 chủ thể tham gia sản xuất; trong đó có 37 sản phẩm du lịch cộng đồng được chấm 3 sao và 4 sao.
Việc phát triển du lịch nông thôn đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho các địa phương như góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân bên cạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, đồng thời còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.
Tại hội thảo, nhiều đơn vị, địa phương đã tham gia thảo luận, đề xuất các giải pháp về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới như: Định hướng phát triển du lịch của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và vai trò của du lịch nông thôn; Hiện trạng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn; những thuận lợi, khó khăn của việc phát triển du lịch nông thôn trong bối cảnh hiện nay...