Giữ lửa
Cuối năm, làng rèn Hồng Lư rộn ràng âm thanh của tiếng búa, tiếng đe, tiếng máy cưa, máy cắt sắt, máy tiện... cùng ánh lửa bập bùng từ những lò nung. Làng rèn này đã có 4 - 5 đời “cha truyền con nối”.
Anh Trần Đình Chức - hậu duệ thứ 5 của làng rèn cho biết, ông tổ nghề rèn Hồng Lư là người gốc kinh đô Huế. Trước năm 1945, ông Xã Y đi học nghề và làm thợ ở Huế rồi về mở lò rèn, truyền nghề cho con cháu. Trước Cách mạng tháng 8.1945, ông Trần Ngọc - đời thứ 2 cùng nhiều thợ Hồng Lư đã âm thầm sản xuất các loại vũ khí chông, mác, giáo, cung tên, dao, rựa phục vụ kháng chiến và được Chính phủ tặng Bằng khen vì góp phần vào thắng lợi của cách mạng. Từ đó, danh tiếng của làng rèn Hồng Lư vang đi khắp nơi. Ông Ngọc truyền nghề lại cho con là ông Trần Đình Bá, ông Bá truyền cho ông Trần Đình Thông và ông Thông tiếp tục truyền lại cho cháu là anh Trần Đình Chức.
Hồng Lư trước có 35 hộ theo nghề. Các lò rèn Hồng Lư từng sản xuất các loại trang thiết bị phục vụ xây dựng đại công trình thủy lợi Phú Ninh. Khối phố Hồng Lư hiện còn mươi hộ sản xuất, chủ yếu làm các loại nông cụ, đồ gia dụng, dụng cụ nghề may...
Ông Trần Đình Thái (40 năm bám nghề) cho hay, tháng Ba, tháng Chạp là hai tháng tất bật nhất của nghề. Các lò đỏ lửa liên tục, các tay thợ đêm ngày tất bật. Tháng Ba, làng chuyên về sản xuất các nông cụ phục vụ nghề nông, nghề may. Còn tháng Chạp tập trung vào các sản phẩm gia dụng phục vụ tết như dao lớn, dao nhỏ, dao nhọn, dao băm, dao chặt thịt, dao hai lưỡi...
“Sản phẩm Hồng Lư bán chạy bởi uy tín, chất lượng, chỉ lo là có đủ sức để làm ra sản phẩm không. Thời nay con cháu đều đi học rồi tìm việc nơi xa, nên việc khó nhất lúc này là tìm được người kế thừa để nghề không bị thất truyền” - ông Thái tâm sự.
Cải tiến sản xuất
Hồng Lư bao phen thăng trầm trước áp lực từ các mặt hàng Thái Lan, Trung Quốc và các làng nghề phía Bắc tràn vào có giá rẻ. Để thích ứng, nhiều cơ sở rèn đã nỗ lực cải tiến sản xuất, năng động tìm thị trường, tạo dựng đội thợ lành nghề. Gần chục cơ sở sản xuất ở Hồng Lư vẫn “ăn nên làm ra” trong khi nhiều làng nghề truyền thống đìu hiu, vắng vẻ. Việc cải tiến sản xuất giải phóng sức người, khi lao động khan hiếm và các nghệ nhân đã lớn tuổi, giúp sản phẩm Hồng Lư có điều kiện vươn xa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Cuối năm, lò rèn của ông Trần Đình Phước vẫn tấp nập với các tay búa, tay đe, tay rèn, tay tiện với đủ loại âm thanh náo nhiệt. Xưởng rèn ông Phước có 4 - 5 thợ lành nghề, các công đoạn được làm theo mô hình “khép kín” nhờ máy móc cải tiến. Cơ sở ông Trần Đình Thông đã ứng dụng 7 - 9 loại máy lớn nhỏ như máy cắt sắt, máy đập, máy khoan, máy mài, máy tiện... thay sức người ở các công đoạn nặng nhọc. Xưởng rèn ông Trần Đình Thái nỗ lực ứng dụng máy móc, thiết bị để tạo độ sắc nét, tinh xảo cho sản phẩm.
Làm nên thương hiệu của nghề rèn Hồng Lư chính là các sản phẩm nông cụ mà không nơi nào cạnh tranh được. Theo ông Thông, sản phẩm Hồng Lư phải trải qua nhiều công đoạn, bắt đầu là cắt sắt, nung sắt, rèn đập cho ra khối. Tiếp theo là nung chín và dát mỏng, uốn, nén, định dạng sản phẩm ở dạng bán thành phẩm. Tiếp đó là làm nguội để hoàn chỉnh sản phẩm bằng khâu đập, dát, gọt, giũa rồi tới khâu “tôi” sắt thép. Sản phẩm có bén, tốt hay không phụ thuộc vào trình độ “tôi thép” của thợ rèn và bí quyết là ở đây. Cuối cùng là khâu phụ mài sản phẩm cho bén để xuất lò. Nay, những công đoạn nặng nhọc đã được thay bởi máy móc cải tiến nên nghề rèn đã bớt nhọc nhằn...
Ngọn lửa Hồng Lư vẫn cháy mãi mạch sống của làng. Những mong, cùng với các cơ chế, chính sách bảo tồn, khuyến khích và phát triển của làng nghề truyền thống, cơ hội bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống Hồng Lư được mở ra.