Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, 577 các huyện, quận, 664 xã.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2018, cả nước có 224 người chết và mất tích vì thiên tai, tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng, những con số này đã giảm nhiều so với trung bình nhiều năm. Công tác phòng, chống thiên tai đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Công tác dự báo, cảnh báo có những tiến bộ nhất định. Số lượng tàu chìm do bão, áp thấp nhiệt đới đã giảm nhiều so với trước đây, đợt lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long không có thiệt hại về người. Công tác di dời, sơ tán dân, chỉ đạo vận hành hồ chứa được chú trọng thực hiện. Công tác phòng ngừa thiên tai cũng được triển khai sâu rộng từ TƯ đến cơ sở, việc chuẩn bị trước thiên tai cũng được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực, điển hình như việc hoàn thành giai đoạn 1 hệ thống trực tiếp cảnh báo đa thiên tai tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Để khắc phục hậu quả thiên tai, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 9.461 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách TƯ và huy động 36 triệu USD từ nguồn ODA, hỗ trợ trên 5.700 tấn gạo cứu đói, trên 1.200 tấn hạt giống cùng nhiều hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai:
Thứ nhất, khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn.
Thứ hai, rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra.
Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống với thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để bảo đảm kịp thời hơn, chính xác hơn. Bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn.
Thứ năm, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng: Đê điều, hồ đập, công trình kết cấu hạ tầng khác.
Thứ sáu, nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó có việc đầu tư nâng cấp công nghệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu, hỗ trợ ra quyết định phòng chống thiên tai được kịp thời, chính xác, xây dựng trung tâm điều hành phòng chống thiên tai quốc gia.
Thứ bảy, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng được đội ngũ làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai chuyên nghiệp, chủ động.
Thứ tám, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động phù hợp các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trước hết là kinh phí đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển,…
Thứ chín, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai.