Chiếc máy tính kết nối mạng đã giúp ích rất nhiều để anh Chính trau dồi kỹ thuật nuôi ốc nhồi.
Theo chỉ dẫn của người dân, không khó để chúng tôi tìm đến nhà của Chính “ốc nhồi” - một biệt danh người dân nơi đây gán cho anh kể từ ngày con ốc nhồi được chàng trai này nuôi thành công.
Ngồi nghe anh Chính kể chuyện mới biết, nếu việc anh đến với con ốc nhồi tình cờ bao nhiêu thì để thành công anh lại dày công bấy nhiêu. “Trước kia tôi trải qua rất nhiều công việc từ Nam ra Bắc nhưng thu nhập không ổn định, lại xa quê. Trong một lần nói chuyện với bạn bè về ốc nhồi, tôi chợt nảy ra ý tưởng, thị trường đang cần trong khi ốc tự nhiên gần như tuyệt diệt. Hay là mình thử nuôi nó, biết đâu loại đặc sản này có thể giúp mình có thêm thu nhập? Ý tưởng cứ lớn dần lên thôi thúc tôi tôi vào mạng tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng và phát triển của loài ốc này. Thế rồi, tôi đam mê con ốc nhồi từ lúc nào không hay,” anh Chính chia sẻ.
Sau qua trình tìm hiểu, năm 2013, anh Chính quyết định đầu tư để nuôi ốc nhồi. Ban đầu anh ra tận tỉnh Hải Dương để học tập kinh nghiệm từ một số mô hình, sau về các huyện Như Thanh, Như Xuân (Thanh Hóa) thu mua ốc giống từ người dân về nuôi. Nhưng do chưa hiểu hết về ốc nhồi, nên thời gian đầu tỷ lệ thất thoát cao khiến anh hết sức lo lắng.
“Thời gian đầu mới nuôi, do chưa nắm bắt được kỹ thuật nên ốc nhồi chậm phát triển và chết dần. Lúc đó, sáng ra nhìn ốc nổi đầy mặt nước chết gần hết ao, nhiều khi cũng muốn bỏ cuộc, để tìm kiếm công việc khác. Nhưng niềm đam mê ấy đã ngấm vào máu thịt khiến tôi quyết tâm đi học hỏi thêm kinh nghiệm.
Thức ăn của ốc nhồi khá đa dạng nhưng cần đảm bảo “sạch”.
Lần nay tôi ra Hà Nội rồi lên Bắc Kạn để học hỏi về kỹ thuật chăm sóc ốc. Dù là đối tượng nuôi rất dễ và nguồn thức ăn khá phong phú nhưng ốc nhồi lại rất nhạy cảm với thức ăn “bẩn”. Vì vậy, những đợt nuôi sau này, tôi tìm kiếm nguồn thức ăn đảm bảo không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Nếu nuôi lâu dài, bền vững, người nuôi cần chủ động nguồn thức ăn.
Từ khi thực hiện việc chọn lọc nguồn thức ăn, cơ sở ốc nhồi giống của gia đình tôi đã phát triển mạnh. Hàng năm tôi cung ứng khoảng 100 vạn con giống cho bà con khắp các tỉnh từ Bình Định trở ra, lợi nhuận gần 300 triệu đồng”- anh Chính cho hay.
Theo anh Chính, thức ăn của ốc nhồi khá đa dạng, có thể là bèo tấm, rau mồng tơi, lá sắn, lá bầu... Ngoài thức ăn, nuôi ốc nhồi cần quan tâm đến chất lượng nguồn nước. Nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm và luôn duy trì mực nước từ 40 - 100 cm.
Anh Chính tự cho ốc nở, nuôi bán ốc giống, ốc thương phẩm.
Hàng ngày cần quan sát lượng thức ăn tiêu thụ để bổ sung hợp lý. Nếu thức ăn dư thừa sẽ ô nhiễm nguồn nước dẫn đến ốc bị chết. Ốc nhồi mùa đông dường như không hoạt động, lúc đó cần hút hết nước trong ao để ốc rúc xuống bùn trú đông, hoặc thả cây lục bình xuống ao để giữ ấm cho ốc.
Ốc nhồi nuôi sau 12 tháng là sinh sản và thời gian ốc nhồi sinh sản từ tháng 2 - 8 âm lịch. Một con ốc mẹ đẻ từ 5 - 6 ổ trứng/năm, thời gian ấp trứng từ 20 - 25 ngày, khi ấp phải thường xuyên quan sát trứng và luôn giữ cho trứng khô. Thời gian nuôi ốc sau 3 tháng có thể xuất thịt.
Ốc nhồi sau khi nở, nuôi đến 30 ngày tuổi có thể xuất giống. Do đang tập trung vào sản xuất con giống nên việc nuôi ốc thương phẩm cung ứng cho thị trường chưa được nhiều.
Ốc nhồi giúp anh Chính thu lãi ròng trên 300 triệu đồng/năm.
* Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu, xin liên hệ với anh Nguyễn Văn Chính(ngụ thôn Bái Thủy, xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), số ĐT: 0763.015.213
“Hiện tôi đang nuôi 0,5 ha ốc bố mẹ, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 100 vạn con giống. Tôi đang làm thủ tục để thuê thêm khoảng 0,75 ha đầu tư nuôi ốc thương phẩm. Từ việc nuôi ốc thương phẩm, tôi sẽ liên kết với một số chuỗi nông sản, nhà hàng để cung ứng sản phẩm sạch đến người tiêu dùng”, anh Chính cho hay. |