Anh Bàn Văn Thu cho biết: “Mỗi năm vào dịp cuối tháng giêng - đầu tháng hai âm lịch, bà con lại đi lên núi tìm và đào măng ở khu rừng vầu dân sinh ”.
Hầu hết dân số ở bản là người dân tộc Dao Tiền. Do bản có ít ruộng nên bà con vẫn phải sống chủ yếu dựa vào rừng dân sinh, trong đó mùa đi lấy măng đầu năm được trông đợi nhất. Người Dao Tiền ở đây coi loại măng ngọt này như lộc của rừng mỗi dịp mùa xuân.
Mọi người gùi măng xuống núi.
Từ nhà, họ bắt đầu đi ủng, đeo gùi, mang theo thuổng và dao, rồi lên xe máy vào bìa rừng. Từ đây nhóm phải vượt qua quãng đường khá dốc để tới được khu rừng vầu, bãi măng nằm trên sườn núi ở độ cao 600-700m so với mực nước biển. Thời tiết đầu năm nhưng đã nắng nóng, nhiều đoạn leo qua dốc, một số người phải nghỉ chân dưới gốc cây để hồi sức.
Nếu sức khỏe tốt thì một chuyến đi có thể đào được 30-40kg măng tươi.
Măng mọc nhú khỏi mặt đất dưới những gốc vầu cao vút. Nhiều đoạn rừng vầu âm u, lại có lá khô trên mặt đất, nên bà con phải vạch, bới để tìm kiếm mầm măng. Dân dùng những chiếc thuổng sắt mang theo để đào sâu xung quanh củ măng, rồi dùng tay nhổ hoặc dao xắn cho đứt gốc.
Măng tươi được đổ bán cho các thương lái.
Nhiều củ măng to đến 2-3kg được nhổ lên trong niềm phấn khích của người dân. “Loại măng củ này là của cây vầu, có thể thái ra chế biến thành nhiều món xào, luộc, nấu… đều rất ngon“ - một thanh niên vừa khoe củ măng mới đào, vừa cho tôi biêt thêm. Sau khi đào củ lên, người dân lại lấp đất vào hố để mầm măng tiếp tục mọc cho mùa xuân năm sau có để thu hoạch.
Hai phụ nữ Dao Tiền đi ủng, mang gùi chuẩn bị cho chuyến lên núi đào măng.
Nhóm thanh niên trong bản nếu chăm chỉ và có sức khỏe tốt một ngày có thể đào được 30-40kg măng tươi, còn mấy phụ nữ cũng kiếm được trên dưới 20kg.
Trên đường xuống núi với gùi măng đầy sau lưng, chị Triệu Thị Thảo tâm sự với chúng tôi: “Việc đi đào măng rừng ở bản cũng vất vả lắm, phải có sức khỏe tốt để leo núi, đào đất, chặt nhổ… Mà khi đưa măng được xuống núi, giá thành lại chẳng được là bao. Mỗi kg măng tươi dân bản bọn em bán cho các thương lái chỉ được 10 ngàn đồng thôi!”.
Và họ lên xe máy từ nhà vào bìa rừng cùng với cánh đàn ông.
Chính vì thế những người trực tiếp bỏ công sức ra đi lấy măng như chị Thảo, anh Thu…thường chỉ kiếm được 200-400 ngàn cho 1 chuyến đi. Một số gia đình có người rảnh rỗi thì sẽ cắt gốc và đem măng ra ven đường bán lẻ với giá 15-20 ngàn đồng/kg.
Tuy rằng vụ đi đào và thu hoạch măng trên rừng chỉ diễn ra một thời gian ngắn, giá bán lại rất thấp, nhưng đối với bà con Dao Tiền ở đây thì đó cũng là nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống và nuôi con cái học hành.
Băng qua đoạn núi dốc để đến bãi măng.
Mầm măng củ nhú khỏi mặt đất nhọn hoắt
Người đàn ông đào củ măng giữa khu rừng vầu âm u.
Nhiều củ măng sau khi đào xung quanh có thể nhổ được bằng tay.
Niềm vui của chàng trai với củ măng rất to trên tay.
Đào măng, một công việc vất vả đối với những người phụ nữ.