Nhiệt tình dẫn chúng tôi ra khu vực phía sau chuồng nuôi chim trĩ xanh, chim trĩ đỏ với số lượng hàng chục con lớn bé, trống mái nuôi nhốt tách biệt nhau, còn phía bên cạnh là cái ao rộng lớn có đàn le le đang bơi lội tung tăng.
Anh Hiền - chủ trang trại, bộc bạch: “Tôi thành lập trang trại đa dạng vật nuôi con đặc sản cũng bắt đầu khởi nguồn nhờ công việc đi giao mối bồn bồn cho các địa phương ngoài tỉnh...".
Anh Chung Văn Hiền, ấp Tam Sóc D2, xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú) nuôi le le số lượng lớn.
Theo đó, vào giữa năm 2017, trong một lần đến tỉnh An Giang thấy có trại nuôi le le lớn, anh tò mò đến tìm hiểu, được người chủ tận tình hướng dẫn cách nuôi, anh mạnh dạn đào ao trữ nước nhập 40 con le le giống về nuôi.
3 tháng sau, anh Hiền đã thu hoạch lượng trứng le le đầu tiên và khoảng 1 tháng ấp trứng, nở con có thể xuất bán được ngay. Con le le giống có giá 300.000 đồng/con, còn nuôi le le bán thịt tầm 3 tháng bán giá 400.000 đồng - 500.000 đồng/con. Ước tính gần 2 năm nuôi, anh Hiền bán le le giống và thịt gần 400 con, trừ chi phí lợi nhuận tầm 300 triệu đồng. Hiện tại, anh Hiền đang có đàn le le bố mẹ là 70 con...
Cũng theo anh Hiền, cái hay của le le là chúng thích nghi tốt với điều kiện môi trường ngoài tự nhiên, không dịch bệnh, không tốn công chăm sóc, thức ăn dễ tìm như lúa, lục bình. Do vậy, người nuôi chỉ cần đào ao để chúng bơi lội.
Làm nhu vậy, như anh Hiền nói le le sẽ phát triển tốt và chỉ việc đợi ngày thu lợi nhuận, sau khi chúng sinh sản. Anh Hiền dự kiến duy trì số lượng đàn le le giống là 500 con, nhằm cung ứng nhiều hơn con giống ra thị trường và nuôi le le thịt thương phẩm.
Anh Hiền khoe con chim trĩ đỏ đang giai đoạn sinh sản.
Với chim trĩ đỏ, anh Hiền cho biết: “Chim trĩ rất nhanh nhẹn và mỏ cứng nên chúng có thể dễ dàng tẩu thoát ra ngoài, nếu lưới rào không được chắc chắn. Vì vậy, để bảo vệ đàn chim trĩ nuôi, tôi phải phân loại lớn nhỏ nuôi tách biệt nhau, tránh con lớn mổ con nhỏ, cũng như tiện việc chăm sóc...".
Hiện anh Hiền có tổng cộng 40 con chim trĩ đỏ, trong đó có 8 con trống. Chim trĩ đẻ trứng hầu như quanh năm, chỉ nghỉ 1 tháng lúc thay lông. Bình quân mỗi năm số lượng chim trĩ anh Hiền cung cấp ra thị trường hơn 10.000 con giống, trừ chi phí lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.
Đối với chim trĩ đỏ thức ăn phần lớn là lúa. Để đảm bảo chim trĩ cung cấp cho hộ dân địa phương trong và ngoài tỉnh, thời gian tới, anh Hiền sẽ tăng đàn mái sinh sản lên nhiều hơn nữa.
Anh Hiền tiếp tục đưa chúng tôi đến tham quan khu vực dành nuôi dế. Từng miếng xốp chuyên dụng được anh sắp đặt ngăn nắp trong khu vực chuồng nuôi.
Chuồng nuôi dễ của anh được xây dựng bằng bêtông kiên cố nhưng không gian khá thoáng mát bởi áp dụng chuồng xây hở. Theo anh Hiền, sau thời gian dài nuôi heo thịt thua lỗ, anh cải tạo chuồng chuyển sang nuôi dế thịt thương phẩm.
Đây là loài dế cung ứng cho nhiều cửa hàng bán chim cảnh và làm mồi câu cá. Cứ cách 3, 4 ngày là thu hoạch dế, với diện tích chuồng 80m2, sau khi trừ chi phí lợi nhuận anh thu về tầm 2,8 triệu đồng/tháng.
Anh Hiền bên chuồng nuôi dế vốn cải tạo từ chuồng heo cũ.
Ngoài các vật nuôi trên, anh Hiền còn nuôi trăn, tắc kè, chim chích mồi, rắn mối, con chũi, vịt trời. Con vật nuôi làm chúng tôi ấn tượng nhất có lẽ là con sâu gạo, chắc hẳn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hiếm người nuôi loài côn trùng này, bởi chúng dùng để cung cấp cho các hộ kinh doanh chim kiểng, chim cút.
Con sâu gạo thân hình thon dài, nhìn rất đáng sợ, bởi lớp sâu ken đặc, cứ bò lúc nhúc quanh khay nuôi. Anh Hiền thông tin: “Sâu gạo dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, chỉ cần cho chúng ăn no, sâu lớn rất nhanh. Tôi có khoảng 20 khay nuôi sâu gạo, 1 tuần thu sâu lớn bán 1 lần, hàng tháng thu lợi nhuận hơn 3 triệu đồng…”.
Cũng theo anh Hiền, con sâu, con dế được anh nuôi theo kiểu tận dụng, vừa có thể xuất bán và cung cấp thêm lượng đạm cho chim trĩ hay le le, giúp chúng có thêm nguồn sức đề kháng tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Đặc biệt, anh Hiền cho biết là tình hình nắng nóng, việc nuôi chim trĩ cần phải làm chuồng thông thoáng, kể cả chuồng nuôi dế, chuồng nuôi rắn mối...cần tạo khoảng trống bên trên chuồng, chỉ dùng các loại gạch hay miếng decal bóng để dế không thoát ra ngoài, phía trên dùng lưới mỏng ngăn ngừa các loại cóc, rắn bò vào ăn dế, rắn mối…
Với số lượng vật nuôi toàn con đặc sản, vật nuôi quý hiếm trên, tổng nguồn thu nhập anh Hiền thu về mỗi năm hơn 1,2 tỉ đồng. "Nếu bà con muốn phát triển nuôi các giống vật nuôi này, thì liên hệ qua số điện thoại 034 4 911 241, tôi sẽ sẵn sàng hướng dẫn cách nuôi và cung cấp giống" - anh Hiền chia sẻ.
Đàn sâu gạo được anh Hiền nuôi gần 2 năm qua.
Nói về mô hình nuôi la liệt con đặc sản, con quý hiếm của anh Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Võ Minh Quân cho biết: “Trang trại nuôi chim trĩ đỏ, trĩ xanh, le le… của anh Hiền được xem là đa dạng nhiều vật nuôi so với nhiều trang trại trên địa bàn huyện...".
"Ở đây tập hợp đa loài vật nuôi quý hiếm và từng loài có thế mạnh riêng, nhưng tất cả đều có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, đây được xem là địa chỉ để đơn vị đưa hộ dân đến tham quan, học hỏi mô hình và cũng kết nối với anh Hiền mua giống chim trĩ đỏ cung ứng đến hộ dân tại một số xã làm mô hình thí điểm…”, ông Võ Minh Quân. |