hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xây dựng nông thôn mới: Còn nhiều thách thức (08/03/2019)
Một số chỉ tiêu đạt chuẩn chưa mang tính bền vững, phát triển kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, hệ thống hạ tầng nông thôn thiếu tính đồng bộ… đang đặt ra nhiều thách thức trong xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) của tỉnh.
Thời gian tới, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian tới, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ

Nhận diện khó khăn

Bên cạnh thành tựu đạt được, vấn đề xây dựng NTM của tỉnh thời gian qua cũng bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương cho biết, dù đã xây dựng một số mô hình kinh tế hiệu quả nhưng không giữ được sự bền vững; chưa có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực. Các bên chỉ quan tâm đến việc giá bán ra của nông sản mà chưa có giải pháp cụ thể trong áp dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

Ông Đỗ Vạn Lộc - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh nhìn nhận, trong quá trình phát triển kinh tế, tăng trưởng của ngành nông nghiệp Quảng Nam chưa vững chắc, việc tổ chức liên kết sản xuất - kết nối thị trường vẫn còn nhiều tồn tại, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu tính ổn định, giá cả bấp bênh; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn còn hạn chế, nhất là ở khu vực miền núi... Những vấn đề trên là rào cản rất lớn trong việc giữ vững và nâng cao tiêu chí về thu nhập. Trong khi đó, theo đánh giá của lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, thời gian qua công tác chỉ đạo xây dựng NTM ở một số nơi thiếu tính cụ thể, nhiều huyện bố trí số lượng cán bộ chuyên trách còn ít như Thăng Bình, Quế Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My, Tây Giang, Hiệp Đức, Núi Thành, Nam Trà My. Ở một số địa phương đã đạt chuẩn có biểu hiện chững lại, thiếu tập trung chỉ đạo nên có đến 46 xã bị “rớt” tiêu chí. Kết quả xây dựng NTM không đồng đều giữa các xã có điều kiện tương đồng. Đến nay vẫn còn 3 huyện chưa có xã về đích NTM gồm Nam Trà My, Nam Giang, Phước Sơn...

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, thời gian qua việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM khi được phân cấp vẫn còn một số thiếu sót như chậm phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn, chậm phân bổ vốn, việc mời thầu còn bất cập. Trong khi đó, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều, nhất là cấp xã; tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội...

Cùng bàn giải pháp

Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, để xây dựng mô hình NTM một cách bền vững, cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bảo đảm tính bền vững. Xây dựng các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành những cánh đồng lớn và vùng sản xuất chuyên canh, gắn với phát triển hợp tác, liên kết và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Còn ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho rằng, một trong những vấn đề trọng tâm là phải sớm hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xã NTM, gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Ngoài ra, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí NTM để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại nhiều phiên họp liên quan đến thực hiện chương trình NTM thường nhấn mạnh đến việc các địa phương phải chủ động rà soát, xây dựng khung kế hoạch và lộ trình thực hiện từng tiêu chí, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức phụ trách. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, khơi dậy được sức mạnh nội sinh to lớn trong nhân dân, góp phần xây dựng xã NTM đạt kết quả bền vững, hướng đến xây dựng “Làng quê đáng sống”. Một điều quan trọng nữa là, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Theo ông Đỗ Vạn Lộc - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tập trung chỉ đạo và thực hiện lồng ghép nguồn vốn, xác định thứ tự ưu tiên đối với từng công trình, từng tiêu chí, ưu tiên hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2019 - 2020. Tiếp tục tập trung ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất và hạ tầng để nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững. Mặt khác, linh hoạt thực hiện việc khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu để xây dựng cơ sở hạ tầng. “Đối với vốn đầu tư phát triển nằm trong kế hoạch năm 2019, sau khi được UBND tỉnh phân bổ, các xã phải khẩn trương rà soát để thanh toán nợ khối lượng, kinh phí còn lại đầu tư công trình mới trên cơ sở danh mục trung hạn 2018 - 2020. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư, kinh phí sự nghiệp theo đúng quy định, thực hiện tốt việc giải ngân vốn từ các chương trình, dự án và ngân sách nhà nước năm 2019” - ông Lộc nói thêm.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  548 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 88 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com