|
Trồng cây ăn quả ở xã Tam Mỹ Tây. Ảnh: VĂN PHIN |
Nằm về phía tây huyện Núi Thành, giáp ranh với xã miền núi Tam Trà, xã Tam Mỹ Tây có phần lớn đất đai là đồi núi. Để phát huy tiềm năng vùng đất này, Đảng ủy – UBND và Hội Nông dân xã Tam Mỹ Tây đã sớm có chủ trương vận động các hộ dân phá bỏ vườn tạp, khai phá đồi núi hoang hóa để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Ông Lê Văn Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Mỹ Tây chia sẻ: “Hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, những năm qua, nông dân trong xã xây dựng được nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như các mô hình chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả đem lại thu nhập cao và ổn định. Hiện tại, trên địa bàn Tam Mỹ Tây có 77 hộ đăng ký xây dựng mô hình phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp, có 34 hộ trồng xoài, bưởi da xanh, chuối lùn, thanh long cao sản, quýt đường, cam sành và nhiều mô hình phát triển trang trại tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động”.
Qua thực tế, tại xã Tam Mỹ Tây có những mô hình trang trại tổng hợp tiêu biểu như trang trại của ông Phan Văn Đào (thôn Tịnh Sơn) với diện tích 2ha đã nuôi từ 5.000 đến 10.000 con gà thương phẩm, 50 con heo/mỗi lứa; nuôi cá trên diện tích 2.000m2. Bên cạnh đó, trang trại ông Đào còn trồng 500 cây ăn quả như xoài, bưởi, ổi… Hàng năm, trang trại có doanh thu 1 tỷ đồng, trừ chi phí, thu lãi 100 đến 150 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 đến 3 lao động. Mô hình trang trại tổng hợp của ông Phan Khắc Sinh (thôn Trung Lương) với diện tích 1ha đã nuôi 20.000 đến 30.000 con gà thương phẩm, trồng 500 cây ăn quả, doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, có lãi 100 đến 180 triệu đồng/năm. Các mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả như quýt đường, chôm chôm điển hình như ông Trần Văn Chung, Nguyễn Bá Tùng (thôn Tú Mỹ)..., mỗi héc ta trồng 1.000 cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm qua; lãi ròng từ trồng cây ăn quả đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Theo ông Trần Văn Vũ – Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, ở địa phương hiện có nhiều chủ trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi hỗn hợp có thu nhập 100 đến 200 triệu đồng/năm, trước đây họ từng là những hộ cải tạo vườn tạp để thoát nghèo. Địa phương đang khuyến khích các hộ dân tiếp tục phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo mô hình vườn sinh thái để kết hợp phát triển du lịch ở miền núi Tam Mỹ Tây, vì ở đây có nhiều di tích lịch sử cách mạng, có suối Giang Thơm nổi tiếng và đàn vọoc chà vá đang sinh sống tại Hòn Dồ, thôn Đồng Cố.
Những năm qua, kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở miền núi Tam Mỹ Tây phát triển góp phần đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,25%. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở miền núi Tam Mỹ Tây còn một số hạn chế, cụ thể là quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa áp dụng mạnh mẽ công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, phong trào phát triển trang trại tổng hợp chưa đồng đều… Ông Lê Văn Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Mỹ Tây cho biết, địa phương đang có giải pháp tích cực để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, tập trung phát triển VAC ở quy mô hộ, quy mô trang trại theo hướng nông nghiệp hữu cơ thâm canh, tiến đến chuyên canh một số loại cây chủ lực và tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kinh nghiệm rút ra ở địa phương là một số nơi chặt phá hết cây cũ ở vườn tạp, trồng cây ăn quả giống mới, chọn 2 đến 3 loại cây phù hợp có hiệu quả kinh tế cao để trồng. Cạnh đó, nông dân cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất cao, chất lượng tốt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Theo tôi, với những người làm kinh tế vườn, kinh tế trang trại hiện nay cần phải có kiến thức về công nghệ thông tin, biết truy cập internet để quảng bá sản phẩm, tìm thị trường, nắm bắt thông tin kỹ thuật mới và có khả năng thu hút khách hàng đến với sản phẩm của mình” - ông Lê Văn Hồng chia sẻ thêm.