
Năm 2018, Quảng Nam đạt nhiều kết quả khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Đánh giá tổng thể kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2018, ngành tiếp tục khẳng định xu thế, chuyển đổi cơ cấu toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đã phát huy hiệu quả, thị trường xuất khẩu mở rộng, giá cả ổn định; đẩy mạnh ứng dụng KHCN mới tạo sự đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM; hoàn thành và vượt 05/05 chỉ tiêu: Tốc độ GDP đạt 3,76%; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%; kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 40,02 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí NTM là 42,4%.
Riêng đối với Quảng Nam, trong năm 2018, kết quả sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt tốc độ phát triển cao so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 13.590 tỷ đồng, tăng 5,24% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó nông nghiệp tăng 2,18%; lâm nghiệp tăng 20,46%; thủy sản tăng 7,52%. Cũng trong năm qua, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 211 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dự kiến đến cuối năm, kết quả giải ngân đạt hơn 98% kế hoạch. Chương trình MTQG XD NTM đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến 31/10/2018, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của 204 xã là 13,51% tiêu chí/xã, tăng 0,4 tiêu chí/xã so với năm 2017; không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 20 thôn được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”. Mô hình HTX, THT ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng. Nhiều làng nghề được đầu tư phát triển theo hướng hợp tác, liên kết gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh triển khai. Đến nay, tỷ trọng nông nghiệp-lâm nghiệp- thủy sản là 61,48%-8,89%-29,63%. Giá trị ngành Nông nghiệp tăng bình quân 5,1%/năm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm qua. Bàn về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu: Ngành nông nghiệp phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới. Tăng trưởng nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD.
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Thủ tướng gợi ý một số giải pháp sau: Trước hết phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến; tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực của địa phương; làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cả cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu trong nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, không phải nông nghiệp ở ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với việc xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng lưu ý, các địa phương không chạy theo thành tích, cần chú trọng tiêu chí thu nhập của người dân.