Mô hình trồng rau an toàn đang mang lại hiệu quả cao cho bà con ở các xã của huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Đến thời điểm này, Hà Nội đã xuất hiện nhiều địa phương sử dụng ít thuốc BVTV hoặc không sử dụng thuốc phòng trừ sâu, bệnh như các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.
Điển hình như tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai), hiện toàn xã có khoảng 1.500 hộ sản xuất hơn 400ha lúa. Đây là địa phương được biết đến với tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV trong canh tác nông nghiệp rất thấp.
Để làm được công việc tưởng chừng như rất khó khăn này, chính quyền xã cùng ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách, canh tác theo phương pháp tiên tiến. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2015 - 2017, diện tích ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến ở vụ xuân trên địa bàn xã đang tăng khá nhanh, từ 295ha năm 2015 tăng lên 390ha năm 2017. Nhờ đó, trong 3 năm qua, tỷ lệ hộ không sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa tại Đỗ Động lên đến khoảng 90%.
Ông Phạm Văn Thức - chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Oai cho biết: Trên thị trường, hiện có khá nhiều loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, độc tính thấp và thời gian tồn lưu trong môi trường, sản phẩm ngắn hơn so với các loại thuốc có nguồn gốc hóa học. "Chính vì lợi ích như thế nên trong quá trình bán hàng, chúng tôi cũng cố gắng tư vấn cho bà con sử dụng thuốc sinh học" - ông Thức nói.
Bà Nguyễn Thị Phương - một nông dân ở huyện Thanh Oai nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, cứ gần đến mùa gặt là người lớn, trẻ em đều tranh thủ buổi tối ra đồng bắt châu chấu, muồm muỗm về làm thức ăn. Ở kênh mương, các loại tép, tôm, cua từng đàn bơi lội. Bây giờ, do sử dụng thuốc BVTV quá nhiều nên những loại thủy sản đó rất hiếm, ngay cả châu chấu, cào cào cũng ít hơn trước.
"Để sản xuất an toàn hơn, bà con chúng tôi đang cố gắng giảm dần lượng thuốc BVTV và phân bón hóa học, thay vào đó là tích cực sử dụng thuốc sinh học để phòng, chống sâu, bệnh hại cho cây trồng" - bà Phương chia sẻ.
Nguyên tắc “6 đúng”
Những kết quả đó là do Chi cục BVTV TP.Hà Nội đã triển khai đồng bộ các hoạt động như đào tạo giảng viên, lớp học đồng ruộng, hội nghị đầu bờ… nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho nông dân.
Ông Lê Xuân Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, thời gian qua, để hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, Chi cục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đơn cử như tổ chức các lớp đào tạo giảng viên, lớp học đồng ruộng, hội nghị đầu bờ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho nông dân.
Trong đó, cốt lõi là tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên lúa, rau, hoa, quả cho nông dân. Đến nay, Chi cục đã tổ chức được 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho hơn 124.000 nông dân.
Đồng thời, triển khai được 205 mô hình SRI với diện tích hơn 4.200ha. Thực tế cho thấy, việc tham gia các lớp học đồng ruộng về IPM còn có ý nghĩa tích cực tác động làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của nông dân.
Hiện, toàn thành phố có khoảng 60% diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần SRI, hơn 5.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, rau hữu cơ hơn 50ha. Qua đó vừa giảm lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới vừa giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả canh tác.
"Bên cạnh đó, Chi cục BVTV chú trọng công tác dự tính, dự báo chính xác, phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “6 đúng” (đúng địa điểm, đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng nồng độ, đúng cách và đúng thời gian cách ly).
Các trạm BVTV thường xuyên tham mưu cho UBND cấp huyện, xã thành lập các tổ liên ngành kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp, rau, hoa, quả để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm" - ông Trường khẳng định.