hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tính chuyện chuyển đổi cây trồng (27/11/2018)
Trao đổi với Tư Ruộng, ông Nguyễn Phước Năm - Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Duy Xuyên cho biết, thời điểm này mực nước của hồ chứa Vĩnh Trinh là 20,76m, thấp hơn 9,39m so với mực nước dâng bình thường. Hiện nay, dung tích trữ nước của công trình thủy lợi này là 4,69 triệu mét khối, thiếu hụt 16,79 triệu mét khối nước so với dung tích hữu ích. Ông Năm nói: “Theo thiết kế, bình quân mỗi vụ sản xuất hồ chứa Vĩnh Trinh đảm nhận cung ứng nước tưới cho 830ha lúa của nông dân 3 xã gồm Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trinh. Tuy nhiên, trước tình trạng lượng nước tích trữ của hồ quá ít nên rất nhiều khả năng vụ đông xuân 2018 - 2019 sẽ có không dưới 500ha lúa bị thiếu nước tưới hoặc khô hạn nặng, trong đó những chân ruộng ở xã Duy Hòa là nguy cấp nhất”.

Theo tìm hiểu của Tư tôi, ngoài hồ chứa Vĩnh Trinh thì hiện mực nước của 3 hồ chứa khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên là Thạch Bàn, Phú Lộc, Khe Cát cũng thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1,6 - 3,1m nên đang thiếu hụt ít nhất 5 triệu mét khối nước so với dung tích yêu cầu. Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, theo kế hoạch đặt ra, đông xuân 2018 - 2019 nông dân 14 xã, thị trấn của Duy Xuyên sẽ triển khai gieo sạ gần 3.700ha lúa. Tuy nhiên, trước tình trạng các hồ chứa Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc, Khe Cát và nhiều đập dâng bị thiếu hụt nguồn nước tưới nghiêm trọng nên nguy cơ trong vụ sản xuất tới toàn huyện sẽ có 1.000ha lúa bị khô hạn. Để giảm thiểu thiệt hại cho nhà nông, các đơn vị liên quan của huyện đã gấp rút chuẩn bị những phương án đối phó. Theo đó, ngành nông nghiệp cùng chính quyền cơ sở tích cực vận động và hỗ trợ nhiều khâu để nông dân các xã Duy Hòa, Duy Phú, Duy Tân, Duy Thu, Duy Châu, Duy Trinh, Duy Trung có điều kiện chuyển 300ha đất lúa ở những khu vực cuối kênh sang sản xuất những loại cây trồng cạn chủ lực. Đồng thời thiết lập cụ thể các giải pháp công trình nhằm chủ động chống hạn, nhiễm mặn cho 700ha lúa nằm trong diện báo động ngay từ đầu vụ.

Trong khi đó, ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đông xuân 2018 - 2019 nông dân toàn tỉnh sẽ tổ chức sản xuất tổng cộng 42.000ha lúa. Nhiều khả năng sẽ có không dưới 4.000ha lúa nằm ở những vùng cuối kênh bị khô hạn nặng từ giữa đến cuối vụ đông xuân. “Bên cạnh việc tập trung phổ biến rộng rãi lịch thời vụ và cơ cấu giống thì thời điểm này ngành chuyên môn cùng chính quyền các cấp cũng cần nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển số diện tích đất canh tác lúa có nguy cơ bị khô hạn trong vụ đông xuân sắp tới sang sản xuất các loại hoa màu như bắp, đậu phụng, đậu xanh, mè… nhằm hạn chế thiệt hại và giúp nhà nông có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhất thiết phải tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương và có tính khả thi cao” - ông Muộn nói.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  934 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com