Những năm gần đây, muỗi hành nổi lên như loại dịch hại mới trên cây lúa khiến nông dân khắp vùng trọng điểm trồng lúa ĐBSCL phải liên tục kêu cứu vì chưa có cách quản lý đối tượng này.
Chưa có báo cáo chính thức về vụ hè thu nhưng tình hình sâu bệnh vụ đông xuân mới đây và nhiều niên vụ liền trước đó khiến vựa lúa ĐB.SCL phải đứng ngồi không yên. Trong đó, việc xuống giống không đồng loạt giữa các tỉnh là một trong những nguyên nhân khiến bệnh lưu cửu và lây lan nhanh.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang dẫn chứng, do vụ Đông Xuân 2017 – 2018 xuống giống trong điều kiện lúa của vụ trước vẫn còn trên đồng, các loại dịch hại có nơi sinh sống, lưu tồn và dễ dàng lây nhiễm sang.
Muỗi hành (trái) gây hại trên lúa.
Thực tế xuống giống không đồng loạt cũng tương tự ở vựa lúa tỉnh Đồng Tháp. Thời gian xuống giống ở tỉnh này bắt đầu từ giữa cuối năm 2017. Tuy nhiên, một số cách đồng thu hoạch lúa Thu Đông trễ nên đến đầu 2018 mới kết thúc xuống giống vụ Đông Xuân.
Các đối tượng dịch hại có giảm so vụ năm trước nhưng riêng bệnh muỗi hành (sâu năn) tăng mạnh, chủ yếu ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười. Tổng diện tích nhiễm muỗi hành là gần 17.500ha, mức độ nhiễm trung bình hơn 2.825ha, còn lại đều bị nhiễm nặng.
Cây lúa bị nhiễm bệnh muỗi hành.
Nguyên nhân muỗi hành xuất hiện và gây hại cuối năm 2017 đến đầu năm 2018 do độ ẩm cao. Đại diện Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cho biết, trong từng ô bao, cánh đồng, khu vực; việc xuống giống cũng không tập trung, kéo dài, đan xen, gối vụ tạo điều kiện cho muỗi hành phát triển và lây lan.
Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác chưa phù hợp cũng là một nguyên nhân khiến lúa bị nhiễm sâu bệnh. Do việc xuống giống muộn, đồng ruộng bị áp lực bọ trĩ, rầy nâu, sâu cuốn lá nên hầu hết các ruộng đều xử lý ít nhất 1 – 2 lần thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến thiên địch, tạo điều kiện cho muỗi hành gia tăng mật số.
“Không ít nông dân có tập quán sử dụng thuốc Paclobutrazol với mục đích làm lùn lúa, cứng cây, chống ngã đổ nên khi muỗi hành tấn công thì dù có bổ sung phân bón, cây vẫn khó hấp thu, phục hồi kém, mức nhiễm tăng”, KS. Vũ bổ sung.
Thuyết đâm nhánh của kỹ sư trẻ Lê Trần Hoàng Vũ.
Quan sát nhiều trường hợp, cây lúa bị ức chế sinh trưởng ở thân chính như ngộ độc thuốc cỏ…, cây lúa chét sẽ có xu hướng đâm nhánh để tiếp tục phát triển. Bệnh muỗi hành cũng làm cho thân chính của cây lúa bị giới hạn sinh trưởng.
Qua các nhiều thí nghiệm thực tế trên ruộng lúa để tìm giải pháp từ năm 2014 đến năm 2017, thuyết đâm nhánh được KS. Lê Trần Hoàng Vũ hoàn thiện và đã thành công bước đầu. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp lúa nhiễm muỗi hành vẫn trổ bông.
Giải thích ngắn gọn về thuyết đâm nhánh, KS. Vũ cho biết, cách này phải giải quyết được 2 vấn đề là tạo được môi trường khô ẩm cho ruộng lúa, hai là sử dụng loại dinh dưỡng đặc biệt mới kích thích cây đâm nhánh thành công.
“Nếu thực hiện thuyết đâm nhánh cách thời điểm lúa trổ 15 ngày thì năng suất ruộng lúa bị nhiễm muỗi hành không quá khác biệt so với ruộng lúa bình thường, lợi nhuận canh tác vẫn rất cao”, KS. Vũ nói.
Ruộng lúa ban đầu của nhà nông Tư Xị nhiễm muỗi hành nặng…
Trên thực tế, cách làm này đã cứu được nhiều diện tích lúa nhiễm muỗi hành ở các cánh đồng huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), huyện Thoại Sơn (An Giang), huyện Hòn Đất (Kiên Giang)…
Ông Tư Xị, nông dân làm ruộng ở huyện làm ruộng ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) kể mình canh tác 20ha lúa Đài thơm 8 bị nhiễm muỗi hành trên 80%. “Sau khi cải thiện bằng thuyết đâm nhánh, thu hoạch lợi nhuận hơn 25 triệu đồng/ha. Năng suất không quá khác biệt với ruộng lúa bình thường”, ông Xị kể.
KS. Lê Trần Hoàng Vũ (trái) và nông dân Tư Xị trên cánh đồng cho năng suất tốt sau được phục hồi.
PGS.TS Phạm Văn Kim - chuyên gia nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ cho biết thành công này là một tin vui cho các nhà nông và nhà quản lý nông nghiệp khi một loại dịch hại đã có giải pháp quản lý.“Hiện nay, nhiều nông dân trồng lúa còn hoang mang về muỗi hành. Vì thế, giải pháp đâm nhánh này cần được phổ biến từng phần cho bà con nắm rõ để giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và giữ năng suất vụ mùa”, TS. Kim chia sẻ